Chia sẻ cơ duyên đến với ngành công nghệ thực phẩm, Giáo sư, Tiến sĩ Minh Thủy cho biết: "Nông sản là nguồn thực phẩm thiết yếu cho đời sống con người nhưng khó bảo quản được lâu. Chúng sẽ dần đến giai đoạn hư hỏng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thường rất cao. Tôi nghĩ khi có sự đóng góp của khoa học-công nghệ cho quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động tồn trữ bảo quản và chế biến sản phẩm mới với chất lượng cao và an toàn thì nguồn lợi nông sản thực phẩm mới bảo đảm cung cấp tốt cho người dân. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn theo ngành Công nghệ thực phẩm từ năm 1980 tại Trường đại học Cần Thơ".
Bằng niềm say mê tâm huyết với nghề, trong suốt thời gian qua, Giáo sư Minh Thủy luôn gắn bó với các đề tài của địa phương, hỗ trợ công tác bảo quản, chế biến sản phẩm đa dạng và mới từ những nguyên liệu thô, mang lại giá trị cao cho nguồn nông sản đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long. "Các sản phẩm nông nghiệp nơi đây rất phong phú. Nhưng cứ được mùa lại rớt giá. Vào mùa thu hoạch giá nông sản lại rất thấp, thường xảy ra tình trạng ứ đọng mùa nông sản, đầu ra của nông sản gặp nhiều khó khăn. Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao giải quyết hiệu quả các nguồn nguyên liệu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau đó phát triển ra cả nước. Nếu các biện pháp kỹ thuật mới được áp dụng trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm tính hoàn chỉnh của việc khép kín mô hình sản xuất, và phát triển chế biến sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu đặc sản sẵn có ở mỗi địa phương", Giáo sư Minh Thủy chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thủy là một trong những người phụ nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong ngành khoa học công nghiệp thực phẩm của nước ta hiện nay. Các đề tài của bà đã được thực hiện ở quy mô các cấp và đề tài hợp tác quốc tế. Kết quả nghiên cứu theo định hướng đã cho ra hàng loạt sản phẩm mới với quy mô, quy trình hoàn chỉnh đã được chuyển giao. Các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước được Giáo sư Minh Thủy thực hiện đa dạng, tập trung vào nguồn nguyên liệu đặc sản của địa phương, tiêu biểu như: Đề tài "Đánh giá chất lượng mía cây tỉnh Hậu Giang và giải pháp làm giảm tổn thất hàm lượng đường sau thu hoạch"; đề tài "Sản xuất rượu vang thốt nốt từ các giống men thuần chủng phân lập từ thốt nốt tự nhiên ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, An Giang"; đề tài "Nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tận dụng phế liệu cho quá trình trích ly enzyme bromelin".
Đồng thời, Giáo sư Minh Thủy tiếp tục nghiên cứu trích ly các hợp chất màu tự nhiên, cũng là các hợp chất sinh học, chất chống oxy hóa từ các loại rau hoa quả có mầu sắc đẹp bằng các kỹ thuật mới. Hoạt động nghiên cứu này sẽ giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về mầu sắc tự nhiên vốn có từ nguồn thực phẩm đa dạng trong nước và sử dụng nguồn chất mầu tự nhiên an toàn trong chế biến sản phẩm thương mại. "Các nghiên cứu hiện nay của nhóm chúng tôi còn tập trung vào phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và các đối tượng khác nhau từ các nguồn nguyên liệu động, thực vật kết hợp với mục đích hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng, chống bệnh tật. Sản phẩm mang tính tiện dụng, phục vụ nhanh, hỗ trợ người bệnh trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại và kéo dài", Giáo sư Minh Thủy cho biết.
Chia sẻ về người đồng nghiệp của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ cho biết: "Trong quá trình giảng dạy, Giáo sư, Tiến sĩ Minh Thủy luôn cố gắng mang kiến thức thực tiễn từ kết quả nghiên cứu khoa học vào bài giảng cũng như lựa chọn các phương pháp giảng dạy phong phú để sinh viên nắm bắt bài nhanh và có niềm yêu thích môn học. Cô luôn dành tâm huyết cho trường và sinh viên của ngành học. Bên cạnh đó, cô cũng rất đam mê trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhờ những cống hiến miệt mài của mình, vừa qua, Giáo sư Minh Thủy đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021".
Với Giáo sư Minh Thủy, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai lĩnh vực không tách rời nhau. Những kết quả nghiên cứu đạt được đã được bà tiếp tục lồng ghép và truyền tải trong các buổi học, giúp sinh viên, học viên có thể tiếp cận các kiến thức mới nhất và áp dụng hiệu quả vào thực tế khi ra trường và hoạt động ở lĩnh vực chuyên môn có liên quan.Bà chia sẻ: "Nhìn lại chặng đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy của mình, tôi thấy thật có ý nghĩa vì đã đồng hành lâu dài với sự phát triển của nền khoa học Việt Nam và khẳng định vai trò của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu và ứng dụng, góp phần mang lại các giá trị kinh tế cho đất nước. Từ đó tôi càng nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác nghiên cứu, làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, góp phần cùng cả nước nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nữ trí thức".