Từ giải pháp đổi mới hiệu quả này, chị Thảo đã nhận được giải thưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.
Tại lễ trao giải, cô gái trẻ năng động Nguyễn Phương Thảo luôn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê với những sản phẩm hữu cơ, không giấu được niềm xúc động. Giải thưởng là dấu mốc quan trọng trong chặng đường nghiên cứu và phát triển mô hình nông nghiệp sạch mà Thảo đã dành nhiều thời gian, tâm huyết thực hiện.
Từ những ngày thơ ấu sống ở mảnh vườn quê do ông bà, bố mẹ tự chăn nuôi, trồng trọt tạo ra thực phẩm sạch, Thảo ấp ủ đam mê khởi nghiệp xây dựng trang trại nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, phù hợp nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam. Bởi vậy, ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về môi trường ở Anh, chị Thảo cùng bạn bè đã đồng sáng lập Công ty cổ phần Nguyên Khôi Xanh, áp dụng "Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu" tiên phong cho xu thế kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Mô hình này hoạt động với phương châm "Quay về với Mẹ thiên nhiên", hướng tới bảo vệ môi trường khi không phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, giảm thoái hóa đất bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần tăng cường cân bằng hệ sinh thái đất. "Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Những năm qua, nước ta đã có nhiều nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh và đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, giá trị sản phẩm "xanh" còn chiếm tỷ lệ thấp. Trong tình hình hiện nay, việc thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiến tạo xã hội xanh là đòi hỏi tất yếu đối với người dân và doanh nghiệp", chị Thảo chia sẻ.
Sau hơn hai năm xây dựng, mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín của Nguyên Khôi Xanh đã cung cấp các sản phẩm theo hướng hữu cơ ra thị trường bao gồm: Sản phẩm từ chăn nuôi: Thịt lợn trắng, lợn rừng, gà, vịt và sản phẩm từ trồng trọt: Trà hoa hồng và các loại hoa khác. Ðể sản phẩm có chất lượng cao, mô hình luôn tạo cho vật nuôi, cây trồng sức đề kháng tự nhiên khỏe mạnh từ việc sống trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất. Về thức ăn, người sản xuất đã phối trộn thức ăn tự nhiên theo tỷ lệ khoa học được ủ chín bằng men vi sinh, kết hợp một số loại thảo dược được trồng trong trang trại.
"Vấn đề nhức nhối nhất trong ngành trồng trọt, chăn nuôi hiện nay chính là tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình chăn nuôi gây ra, nhất là chăn nuôi lợn, lượng chất thải rất lớn và việc sử dụng phân bón hóa học tùy tiện, tràn lan", chị Thảo chia sẻ. Từ đó, chị nghiên cứu chi tiết những kỹ thuật trong xử lý chất thải, hướng tới mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải. Ðặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.
Cụ thể, chất thải rắn của lợn được xử lý qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm của giun lại trở thành thức ăn cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng trong trang trại. Hay nước thải sau khi được lọc, tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như đạt hiệu quả kinh tế cao.
Là khách hàng thường xuyên, chị Huyền Châu (37 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: "Tôi luôn cẩn thận trong khâu lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn vệ sinh và bảo đảm sức khỏe các thành viên trong gia đình. Tôi lựa chọn các sản phẩm hữu cơ của Nguyên Khôi Xanh sản xuất, đồng thời rất ấn tượng với các bao bì đóng gói sản phẩm khi dùng những loại thân thiện với môi trường, như túi ni-lông tự hủy, túi sinh học làm hoàn toàn từ bột ngô".
Thời gian tới, chị Thảo hướng đến chuyển giao kỹ thuật, áp dụng mô hình nêu trên để phát triển cộng đồng chăn nuôi bền vững, nông nghiệp xanh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía bắc, vốn có ưu thế về tự nhiên. Ðây là nền tảng để mô hình của chị Thảo và các trang trại chăn nuôi sản xuất khác có thể được cấp chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín khi đủ quy hoạch đồng bộ, bài bản. Ðể thực hiện được điều đó, doanh nghiệp của chị Thảo đang vận động và tập huấn cho các trang trại chung quanh về công nghệ sản xuất mới, từ đó hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của người tiêu dùng".