Trong môi trường luôn ồn ào tiếng máy, giờ làm việc theo ba ca, có khi bắt đầu từ sáng sớm, có hôm lại xuyên suốt trong đêm, song nữ công nhân Hoàng Thị Hải (SN 1987) với dáng người nhỏ bé vẫn tràn đầy sự quyết tâm, nhiệt huyết, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt công việc.
Trải qua 13 năm đứng máy và trực tiếp sản xuất, chị đã có những sáng kiến và giải pháp công nghệ hữu ích, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang lại hiệu quả cho nhà máy mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, các sáng kiến của chị có sức lan tỏa trong đội ngũ công nhân lao động ngành sợi của đơn vị nói riêng và ngành dệt may nói chung.
Với sáng kiến mối nối nhanh, chị Hải cho biết: “Khu vực tôi tham gia sản xuất có các máy con chạy với tốc độ cao, tạo ra các mặt hàng sợi chất lượng đòi hỏi rất khắt khe. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu đưa ra các thao tác nối nhanh, đúng kỹ thuật, bảo đảm cho máy chạy liên tục, hạn chế các mối đứt, quả sợi không bị thắt”. Thông thường mỗi công nhân đứng được tám máy con nhưng nhờ phương pháp nối nhanh mới, có thể đứng được 12 máy. Qua đó, đã giúp cho năng suất, chất lượng của mỗi máy con tăng thêm 15-20%. Thao tác nối nhanh đã giúp chị Hải đoạt được giải “Bàn tay vàng” ngành sợi toàn quốc lần thứ V, năm 2015.
Trong quá trình đứng máy, việc đi tua, xử lý nhanh, chuẩn xác sự cố, giúp máy không bị đứt sợi, bông quấn lên suốt cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Chị Hải chia sẻ: “Theo cách đi tua cũ, đứt mối sợi nào nối mối đó, đi tua đến đâu xử lý đến đó, nhưng với sáng kiến của tôi thì đi tua xử lý máy linh hoạt theo phương châm “Dễ trước, khó sau”, “Đơn giản trước, phức tạp sau”. Mặt máy phải xử lý chính, mặt máy trái chủ yếu nối mối đứt đơn giản hết đường tua đích đi ngược lại”. Đồng thời, chị Hải cũng đề xuất với tổ trưởng giao nhiệm vụ đứng máy cụ thể cho từng cá nhân để mọi người có trách nhiệm với máy mình phụ trách, tránh vòng tua bị trùng lặp. Sáng kiến mới này đã rút ngắn được thời gian đi tua, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạn chế sợi sai quy cách và mối quấn không gãy hỏng.
Với vai trò của người thợ giỏi, chị Hải luôn cố gắng kèm cặp, đào tạo cho lớp thợ trẻ, truyền đạt kinh nghiệm của bản thân và cùng những công nhân có kinh nghiệm, tay nghề bàn bạc, đóng góp ý kiến để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của từng người. Chính vì thế, trong tổ sản xuất của chị, những người mới vào nghề nhanh chóng trưởng thành, lớp thợ cũ ngày càng giỏi nghề. Vì vậy, đội ngũ công nhân máy con trong tổ của chị có tay nghề đều và vững nhất, tập hợp được nhiều thợ giỏi của nhà máy. Làm việc cùng với chị Hải gần 10 năm, chị Lương Thị Len cho biết: “Chị Hải cần mẫn trong công việc, luôn nhiệt tình tham gia hoạt động đoàn thể, tích cực tuyên truyền, vận động chị em đoàn viên công nhân lao động trong tổ cũng như toàn nhà máy tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, gắn kết mọi người chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Chị Hải luôn gần gũi, giúp đỡ mọi người hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc”.
Chị Bùi Minh Hạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định cho biết: “Hoàng Thị Hải là nữ công nhân trẻ, tiêu biểu cho thế hệ công nhân hiện tại của Tổng công ty và cũng là một trong những lao động nòng cốt của ngành sợi. Trong quá trình làm việc, công nhân Hải đã có những thành tích, sáng kiến nổi bật, tiết kiệm sản phẩm trong quá trình thao tác, giảm tiêu hao. Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với ngành sợi. Những sáng kiến đó đã lan tỏa tới nhiều công nhân. Thế hệ người lao động tiếp theo của nhà máy cần học hỏi Hoàng Thị Hải”.
Với sự say mê yêu nghề, chị Hải luôn có ý thức học tập, rèn luyện, chú trọng trong từng thao tác để khắc phục những hạn chế bản thân và thành thục hơn các kỹ năng trong nghề. “Bàn tay vàng” Hoàng Thị Hải hằng ngày, hằng giờ vẫn chăm chỉ tiếp tục dệt nên những sợi vải, dệt nên những sáng kiến mới.