Đêm nhạc do Vietart tổ chức sản xuất, Đoàn Thuý Phương chỉ đạo sản xuất, cũng là sự kiện mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2023), đồng thời đánh dấu cột mốc 30 năm ca hát của NSƯT Đăng Dương.
Khán giả ngồi chật kín khán phòng. |
Trời mưa lớn kèm sấm chớp vào sát lúc đêm nhạc mở màn, nhưng cũng không ngăn được sự nhiệt tình từ khán giả. Đặc biệt, ngoài lớp khán giả cao niên, trung niên, còn có nhiều khán giả trẻ vượt mưa đến với NSƯT Đăng Dương, chờ đợi những ca khúc gắn bó nhiều năm với tên tuổi nam ca sĩ nổi danh trong dòng nhạc đỏ.
Ở liveshow, Đăng Dương không chỉ nâng tầm các ca khúc nhạc cách mạng mà còn mở ra một chân trời mới cho chính mình bằng tinh thần trẻ trung, tươi mới, một vẻ ngoài mới lạ của những ca khúc vốn đã rất quen thuộc. Điều này giúp anh gần gũi hơn với khán giả trẻ, nhưng vẫn khẳng định vị trí hàng đầu trong dòng nhạc cách mạng. Khán giả đã vỗ tay không ngừng qua mỗi phần biểu diễn của Đăng Dương và các khách mời trong liveshow. Nhiều khán giả hân hoan bày tỏ, đã lâu lắm rồi họ mới được xem một đêm nhạc đỏ hay, sảng khoái, đã tai và cuốn hút từ đầu đến cuối như thế.
Chương trình được bố cục trong 3 chương: “Tổ Quốc gọi tên mình”, “Đất nước”, và “Đường chúng ta đi” với gần 30 bài. Ca khúc chủ đề “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai được chọn mở màn. Ngay khi tiết mục kết thúc, tràng pháo tay giòn giã kéo dài không dứt cùng những tiếng hô vang tên "Đăng Dương" khiến nam ca sĩ hạnh phúc cúi đầu tri ân mọi người. "Đây là live concert thứ hai của Đăng Dương nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu tiên. Dù mưa lớn nhưng quý vị vẫn đến đúng giờ. Khi Đăng Dương mở màn với ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”, khán phòng đã chật kín. Đó là điều khiến Đăng Dương vô cùng xúc động" - anh chia sẻ.
Trong suốt chương trình, Đăng Dương đã liên tục xúc động như thế, anh không biết nói gì hơn ngoài việc chân thành giãi bày với khán giả tình yêu của mình với những bài hát nhạc cách mạng.
Điều thú vị mà “Tổ Quốc gọi tên mình” mang tới là nhiều nhạc phẩm cách mạng nhưng được hát bằng hình thức mashup hiện đại. Mashup vốn quen thuộc với các ca khúc nhạc trẻ, nhạc tình nhưng chưa được áp dụng nhiều trong dòng nhạc truyền thống. Đăng Dương và ê-kíp đã rất tinh tế, cẩn trọng khi lắp ghép các ca khúc nhạc đỏ.
NSƯT Đăng Dương cùng tiếng đàn accordeon của nghệ sĩ Đào Kiên. |
Bản mashup giữa hai nhạc phẩm “Anh vẫn hành quân” với “Chào em cô gái Lam Hồng” với sự xuất hiện âm thanh của cây Accordeon - nhạc cụ phổ biến thời chiến tranh do nghệ sĩ Đào Kiên, người bạn vào trường nhạc viện cùng Đăng Dương thuở trước mở màn cho chuỗi thú vị. Mashup “Màu hoa đỏ - Bài ca không quên” đầy xúc cảm tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Đăng Dương song ca với Đào Tổ Loan. |
Đăng Dương có màn kết hợp ăn ý, hoà hợp với Đào Tố Loan khi hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa - Áo mùa đông” để gợi lại một thuở trường kỳ kháng chiến. Đào Tố Loan là giọng soprano nổi bật với âm vực rộng, có nhiều màu sắc chung với Đăng Dương.
“Tình đồng chí - Cây đàn guitar của Đại đội ba”, “Hành khúc ngày và đêm - Bác đang cùng chúng cháu hành quân” là những bản trẻ trung của Đăng Dương và OPlus.
Điều thú vị, bản phối “Hành khúc ngày và đêm - Bác đang cùng chúng cháu hành quân” là của nghệ sĩ percussion- Sò Duy Anh, một chàng trai 19 tuổi. OPlus trẻ trung văn minh, nhẹ nhàng kết hợp với Đăng Dương, giọng hát cổ điển mạnh mẽ đầy nội lực đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Đăng Dương và nhóm OPlus. |
Hình ảnh Đăng Dương ngồi giữa bốn chàng trai trẻ vừa gợi nhớ sự trẻ trung, hồn nhiên như những người lính năm xưa lại cho thấy sự truyền lửa rõ nét, sâu sắc. "Đăng Dương thấy vui, hạnh phúc và trẻ lại rất nhiều. Cảm giác như mình trẻ lại 5 tuổi. Các em rất hay, bè chuyên nghiệp " - Đăng Dương nói về phần kết hợp với các nghệ sĩ trẻ.
Giọng ca của Đăng Dương kết hợp với Võ Hạ Trâm. |
Mashup giữa “Tình ca - Tình em” là sự kết hợp của Đăng Dương và Võ Hạ Trâm. Võ Hạ Trâm giọng hát nội lực, trẻ trung, ngọt ngào, hiện đại, nương tựa vào giọng hát cứng rắn, mạnh mẽ của Đăng Dương.
Ba giọng ca nội lực kết hợp cùng nhau. |
Trong đêm nhạc, lần đầu tiên cả 3 bài “Làng tôi” của Văn Cao, Hồ Bắc và Trung Quân được kết hợp cùng nhau với sự thể hiện của Đăng Dương, Võ Hạ Trâm, Đào Tố Loan. Tiết mục như một bức tranh với những mảng màu đối lập nhưng lại ăn ý vô cùng, vừa đầy kỹ thuật vừa thoải mái trẻ trung, vừa ngọt ngào vừa mạnh mẽ.
NSƯT Đăng Dương độc tấu đàn bầu. |
Điểm nhấn thứ hai của đêm diễn là sự xuất hiện của tiếng đàn bầu ở chương 2, cây đàn đã dẫn Đăng Dương tới giảng đường âm nhạc. Anh gây bất ngờ trong đêm diễn với màn độc tấu đàn bầu “Dáng đứng Bến Tre”. NSND Thanh Tâm, giảng viên bộ môn đàn bầu Nhạc viện Việt Nam, cô giáo Đăng Dương cho biết, hơn 10 năm chăm chỉ theo học bộ môn đàn bầu trước khi chuyển qua Thanh nhạc, trình độ của Đăng Dương ở mức solist.
Ngoài các bản mashup cùng nghệ sĩ khách mời, Đăng Dương còn solo 15 ca khúc khoe giọng hát đang lúc chín muồi, càng hát càng thăng hoa, cháy lửa.
Trong đêm diễn, các khách mời cũng đã có những màn thể hiện riêng xuất sắc, từ Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm cho đến Oplus, mang những màu sắc khác biệt nhưng đem đến một tổng thể hài hoà, tươi trẻ cho đêm nhạc.
Trong đêm nhạc, sau mỗi phần trình diễn, Đăng Dương lại nói “Cảm ơn bản phối quá hay của nhạc sĩ Dương Cầm”, cho thấy sự trân trọng và hạnh phúc hết mực của anh khi được thăng hoa cùng âm nhạc mà anh ưng ý. Các bản phối mang màu sắc mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt tác phẩm, quyện cùng tiếng hát Đăng Dương làm đậm nét tinh thần của liveshow: hùng tráng, sử thi, sâu lắng, lãng mạn, sang trọng và rất trẻ.
Ở liveshow này, Đăng Dương nhận được sự hậu thuẫn to lớn từ người hâm mộ, êkip, người thân, trong đó có bố mẹ vợ đã hơn 80 tuổi từ tận Yên Bái xuống để ủng hộ. Tình cảm ấy đã khiến đăng Dương nghẹn ngào rơi nước mắt và khẳng định: "Tinh thần nhạc đỏ trường tồn, không thể nào mất được".
Có mặt tại chương trình, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: “Đây là một chương trình nghệ thuật chất lượng cao, chạm tới cảm xúc của người xem. Trong chương trình, nhạc sĩ Dương Cầm với vai trò Giám đốc âm nhạc đã khai thác rất mạnh vai trò của dàn nhạc giao hưởng nhưng theo xu hướng của các nhạc sĩ trẻ là pop – giao hưởng tạo nên sự sang trọng, mới mẻ, tiệm cận thế giới cho các ca khúc cách mạng Việt Nam, có sự đối thoại, hòa quyện với giọng hát, hùng tráng nhưng không lấn át, lại có những lúc sâu lắng cuốn khán giả. Không thể coi đây là làm mới các ca khúc cách mạng mà là nâng tầm ca khúc cách mạng”.
Liveshow cũng cho thấy một chân dung NSƯT Đăng Dương qua 30 năm hát nhạc cách mạng đầy chân thành và đắm say. Sân khấu đêm nhạc giản dị nhưng sang trọng, như tiếng hát, con người của chính Đăng Dương. Trên sân khấu Đăng Dương cũng không biết nói lời hoa mỹ, anh không chia sẻ nhiều về cuộc đời mình mà dùng chính tiếng hát để nói lên tất cả tình yêu của mình với nhạc đỏ, dùng chính âm nhạc để nói lên khát vọng truyền lửa của mình. Trên sân khấu của “Tổ Quốc gọi tên mình”, Đăng Dương đã thực sự trở thành một “tượng đài” của dòng nhạc cách mạng.