Đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đã tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến hoặc trình bày tham luận, như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường, Đinh Quang Hải, Vũ Duy Mền, Phan Ngọc Huyền…
Hội thảo thu hút 37 tham luận của các tác giả thuộc các đơn vị như Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), Đại học Vinh, học giả Hàn Quốc… Các tham luận xoay quanh các chủ đề về nông thôn xuyên suốt các thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Các tham luận đã đề cập đến những đặc trưng truyền thống của nông thôn, những thách thức đối với truyền thống và những chuyển biến ở nông thôn trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, bao quát toàn bộ không gian nông thôn ba miền bắc, trung, nam.
Nội dung các bài tham luận đã khái quát 5 chủ đề nổi bật như sự hình thành làng xã - tổ chức xã hội và tổ chức quản lý xã thôn, chính sách của Nhà nước đối với nông thôn, tổ chức sản xuất và đặc trưng kinh tế nông thôn, tổ chức an ninh và vai trò của xã thôn trong bảo vệ chủ quyền quốc và văn hóa xã hội-giáo dục ở nông thôn từ truyền thống đến hiện đại.
Các diễn giả đã thảo luận chung quanh việc làm rõ tính truyền thống và duy trì truyền thống trong quản lý xã hội, mô hình sản xuất kinh tế, giáo dục, phong tục tập quán, tổ chức an ninh-quốc phòng... ở nông thôn Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; nhận diện tính hiện đại trong tổ chức quản lý, hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn Việt Nam; hướng tới làm rõ chuyển biến có tính quy luật và đóng góp của khu vực nông thôn và người nông dân với sự phát triển của đất nước trong toàn bộ tiến trình lịch sử.