Nông thôn tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt sinh hoạt

Tuyến lộ nhựa dọc kênh xáng Minh Hà nối dài đến tận Vườn Quốc gia U Minh Hạ là con đê ngăn ranh giới mặn-ngọt, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập ngọt U Minh Hạ của Cà Mau. Từ lâu, vách bên có rừng, người dân có nước phục vụ nhu cầu thiết yếu; nhưng bên còn lại, người dân phải chắt chiu từng thau nước sinh hoạt...
0:00 / 0:00
0:00
Bé Tuấn Khải, Tuấn Quy (ấp Minh Hà B) được người nhà dội rửa lại bằng ít nước ngọt sau khi tắm nước mặn dưới vuông tôm.
Bé Tuấn Khải, Tuấn Quy (ấp Minh Hà B) được người nhà dội rửa lại bằng ít nước ngọt sau khi tắm nước mặn dưới vuông tôm.

Buổi trưa giữa tháng 4, ngay khi tan học về, hai bé Tuấn Khải, Tuấn Quy chạy liền ra vuông tôm phía sau, lao ùm xuống dòng nước mặn lặn ngụp. Chừng 10 phút, cả hai được ông nội (Nguyễn Văn Dân) gọi vào nhà, múc hai ca nước ngọt “tưới” lại để da các em không bị đóng muối. Hỏi sao phải tắm nước mặn, bé Quy vô tư: “Mùa hạn nếu tắm nước ngọt, mỗi đứa tụi con chỉ được hai ca, tưới chỉ ướt cái tóc thì sao mà đủ tắm”.

Mong ước... tắm nước ngọt thoải mái

Năm 2001, vùng đất nhiễm phèn độc canh cây lúa nơi ông Dân sinh sống được chủ trương của Nhà nước cho chuyển dịch sang nuôi tôm. Sau ngày ấy, các ao, đìa chứa… nước mưa của hộ dân trong vùng bị nhiễm mặn, nước không sử dụng cho tắm, giặt được nữa.

Như nhiều hộ trong vùng, ông Dân mua thêm lu, khạp trữ nước ngọt vào những tháng mùa mưa. 10 cái lu bằng xi-măng không đủ, ông mua thêm hai bồn nhựa, gần đây xây thêm bốn cái hồ lớn bằng bê-tông. Nhờ thế gia đình ông tích trữ được khoảng 15m3 nước nhưng chỉ đủ dùng chưa đến 3 tháng sau khi mùa mưa kết thúc.

Đó cũng là lý do mấy đứa cháu nội phải tắm nước mặn rồi tráng lại bằng ít nước ngọt nhằm tiết kiệm nước. Vào những lúc nắng hạn như hiện nay, đều đặn ngày hai lần, ông Dân cũng xuống vuông tôm tắm nước mặn.

“Hồi trước nước da tôi trắng mịn, tắm nước mặn lâu ngày ngả sang mầu sậm, nhưng được cái là không bị bệnh ngoài da”, ông Dân chỉ vào làn da ngăm đen như tự an ủi.

Nông thôn tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt sinh hoạt ảnh 1

Gần 40% hộ dân ấp Minh Hà B thiếu nước ngọt mỗi khi mùa khô đến dù đã dùng nhiều vật dụng để tích trữ nước mưa.

Mùa hạn, chuyện thiếu nước sinh hoạt lại được bàn tán rôm rả phía bờ nam kênh xáng Minh Hà, nằm đối diện với Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đưa chúng tôi đi xuống nhà dân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Minh Hà B Từ Thanh Tùng cho hay, dân trong ấp có rất ít hộ nghèo, nhưng thiếu nước sinh hoạt thì có đến 59/160 hộ. Hàng chục mũi khoan của các đơn vị tư nhân đã cắm sâu xuống lòng đất, cam kết có nước ngọt mới lấy tiền… nhưng đều vô vọng.

Như nhà cụ Lê Văn Thương hai lần thuê khoan giếng nhưng chỉ toàn nước mặn, đành lấp luôn miệng giếng khoan. “Năm nay 91 tuổi rồi, mong ước nhất với tôi hiện giờ là được tắm nước ngọt thoải mái mà không phải lo hết nước”, cụ Thương bộc bạch.

Quá bức bách về nước sinh hoạt nên từ giữa năm 2022, bà Lê Thu Đông (con gái ông Thương) đầu tư dàn ống nhựa dài hơn 150m để dùng ké nước sinh hoạt từ hộ dân nằm đối diện bên bờ bắc kênh xáng Minh Hà. Đường dẫn nằm vắt ngang con kênh lại khá xa nên đầu ra cuối nguồn nước yếu, nhỏ giọt, có khi còn bị cắt.

Bà Đông trải lòng: “Lắm lúc bất đồng lời ăn, tiếng nói, bên kia khóa nước, bên này đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hồi Tết Quý Mão vừa rồi, nhà mần con heo, có bán thịt cho bên cung cấp nước với mình. Họ thiếu đến giờ mà có dám đòi đâu vì sợ họ giận, cúp nước. Cũng vì lẽ đó mà gần đây tôi đã chuyển sang dùng nước ké hộ khác”.

Tại Trung tâm hành chính của Vườn Quốc gia U Minh Hạ có trạm cấp nước tập trung, vận hành vào đầu năm 2020. Đây cũng là nơi hiếm hoi trong khu vực khoan được giếng nước ngọt. Với quy mô 480m3/ngày, trạm cung cấp nước tối đa cho 540 hộ dân thuộc 4 ấp của xã Khánh Bình Đông, trong đó có khoảng 60% hộ dân của ấp Minh Hà B.

“Quy mô của trạm hiện tại đã vượt quá công suất, không thể mở rộng thêm. Giải pháp được bàn đến là đầu tư tuyến đường ống khoảng 10km, dẫn nước từ trạm cấp nước của xã Khánh Bình Đông về cung cấp cho bà con Minh Hà B, nhưng có lẽ cấp trên chưa có tiền để đầu tư”, ông Từ Thanh Tùng thú thiệt.

Bao giờ hết “khát”?

Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 307 nghìn hộ dân, trong đó hơn 233 nghìn hộ sinh sống ở vùng nông thôn. Theo rà soát mới đây của ngành chức năng tỉnh, tỷ lệ hộ nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt chiếm 94,52% (khoảng 17,47% hộ tiếp cận được hệ thống cấp nước tập trung do Nhà nước đầu tư; hơn 77% còn lại sử dụng nguồn nước từ giếng khoan riêng lẻ); tức còn đến 5,48% (hơn 12.700 hộ) vùng nông thôn của tỉnh bị “khát nước”.

Ngoài khu vực Minh Hà B, còn có các điểm nóng “khát nước” như ấp 23, 25 (xã Khánh An) và các ấp 15, 17, 18, 20, 21 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh); ấp Minh Điền (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi); một bộ phận ấp Kênh Mười, Thanh Tùng (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình)…

Thực tế cho thấy, do chưa có nguồn nước ngọt bổ sung nên đến giờ nguồn nước sinh hoạt của cư dân Cà Mau chủ yếu được dự trữ vào những tháng mùa mưa và được khai thác ngầm từ lòng đất. Trong khi đó, vì điều kiện địa chất, nhiều nơi trong tỉnh không khoan được giếng nước ngọt bởi nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn… Gần đây, một số trạm cấp nước quy mô nhỏ được đầu tư từ trước bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm cung cấp nước cho dân.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nơi ở vùng nông thôn Cà Mau thiếu nước ngọt sinh hoạt, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ và dẫn số liệu thực tế: Trong tổng số 247 công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn Cà Mau đã đầu tư, hiện có đến 32 công trình (12,96%) hoạt động kém bền vững và 60 công trình (chiếm 24,29%) không hoạt động.

Phần lớn các công trình hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động, quy mô công suất dưới 50m3/ngày đêm. Sau khi hoàn thành, những công trình trên giao về cho cấp xã và cộng đồng quản lý. Đó là các khu vực dân cư không tập trung, điều kiện khó khăn về kinh tế-xã hội. Tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình, dẫn đến số công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động.

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg (ngày 8/3/2022) của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung lần lượt phải từ 30% và 55%.

Với tỷ lệ bao phủ nước sinh hoạt trên, rà soát mới đây của ngành chức năng Cà Mau khiến cơ quan quản lý rất quan ngại khi toàn tỉnh có đến 54/82 xã đã được công nhận nông thôn mới, nhưng khi đối chiếu với bộ tiêu chí mới thì có đến hơn 70% số xã không đạt (rớt lại).

Tương tự, khi đối chiếu thì số xã đang trong quá trình về đích nông thôn mới (28 xã) của tỉnh hầu hết sẽ không đạt tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung.

Trải lòng về việc này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Tô Quốc Nam chia sẻ: Để kéo nước đến tận nhà dân, suất đầu tư bình quân 18 triệu đồng/hộ.

Vì vậy, để đạt tỷ lệ 30% và 55% như bộ tiêu chí mới theo quy định của Trung ương, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng cần có nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện và rất cần hỗ trợ từ Trung ương chứ ngân sách tỉnh không bảo đảm.

Cụ thể hóa Quyết định số 1978/QĐ-TTg (ngày 24/11/2021) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND (ngày 1/3/2022), mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50% hộ dân (tương đương 117 nghìn hộ) vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Với số lượng khoảng 41 nghìn hộ sử dụng nước vùng nông thôn hiện nay thì Cà Mau phải đầu tư các công trình cấp nước tập trung để tăng thêm khoảng 76 nghìn hộ dân, nhu cầu vốn là hơn 1.360 tỷ đồng.