Ðúc kết từ thực tiễn, tỉnh đã thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng làng thông minh để nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng nông thôn mới.
Tỉnh Bình Dương xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Ðằng, thành phố Tân Uyên nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ những giá trị cốt lõi về kinh tế-văn hóa mà nông thôn mới kiểu mẫu đem lại cho người dân.
Nhiều giải pháp công nghệ được chuyển giao, ứng dụng
Xã Bạch Ðằng, thành phố Tân Uyên, vừa vinh dự công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa và sơ kết 3 năm thực hiện đề án thí điểm xây dựng làng thông minh.
Tự hào là công dân của xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh, bà Ngô Thị Minh Lan (sinh năm 1958) ở ấp Bình Hưng, xã Bạch Ðằng, chia sẻ: Là xã thuần nông với hầu hết cư dân sống bằng nghề trồng rau, lúa và cây ăn quả. Trước đây, đời sống của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún; nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế, phương tiện đi lại phải phụ thuộc vào đò, phà… Từ khi có chương trình xây dựng xã nông thôn mới và đến nay xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, bản thân tôi cảm nhận một cách rõ nét sự thay đổi từng ngày, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, mở đường giao thông, xây dựng, chỉnh trang khuôn viên sân vườn, tường rào, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch sẽ; người dân ở xã cũng tích cực tham gia tổ hợp tác trồng bưởi, sản xuất lúa hữu cơ…
Đề án thí điểm xây dựng “Làng thông minh” tại Bình Dương đạt kết quả tích cực
Ông Võ Ngọc Tài, hộ nông dân trồng bưởi ở xã Bạch Ðằng cho biết: Vườn bưởi 2,5 ha trước đây trồng nhưng thu hoạch không ổn định. Còn bây giờ trồng theo hướng thông minh, địa phương hỗ trợ cho nông dân áp dụng VietGAP và ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết đã giúp thị trường tiêu thụ bưởi mở rộng giúp thu nhập ổn định hơn. Người dân nông thôn chúng tôi phấn khởi vì được thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại; nhất là việc áp dụng công nghệ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân được thực hiện nhanh chóng, kịp thời đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân.
Năm 2019, xã Bạch Ðằng được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua 3 năm triển khai, đến nay, xã Bạch Ðằng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.
Ðối với nhiệm vụ thí điểm xây dựng làng thông minh, xã Bạch Ðằng đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhiều giải pháp công nghệ được chuyển giao, ứng dụng vào hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tân Uyên Huỳnh Văn Lợi cho biết, thành phố đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn xã Bạch Ðằng, kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa (tỉnh Ðồng Nai).
Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Ðằng cho biết, xã còn là một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tại xã có Hợp tác xã Bưởi Bạch Ðằng tích cực tham gia dự án ứng dụng công nghệ Blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mTrace, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm; dự án lúa hữu cơ tại xã đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia với diện tích 21,9 ha… Bên cạnh đó, đã có nhiều cách làm hay, mô hình mới đi vào thực tiễn như: Mô hình phân loại rác thải tại nguồn, mô hình "làm cho ấp sạch hơn", mô hình tuyến đường kiểu mẫu, mô hình xóm ấp nghĩa tình… Nhờ thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với làng thông minh, năm 2019 thu nhập bình quân của người dân xã Bạch Ðằng đạt 58 triệu đồng/người thì đến năm 2023 đã tăng lên 88,62 triệu đồng/người/năm.
Mô hình sản xuất cây ăn quả có múi gắn với du lịch miệt vườn của nông dân xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. |
Nhân rộng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với làng thông minh
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại các xã nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, cơ hội việc làm rộng mở, hộ nghèo giảm nhanh, sắc diện nông thôn tươi tắn, trù phú. Tại huyện Bắc Tân Uyên, đến nay huyện đã có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận cho biết: Ðến nay hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện sống của người dân. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 90 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo Trung ương giảm còn 0,01%.
Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh không có nợ đọng; bố trí vốn xây dựng nông thôn mới lồng ghép, trong đó ưu tiên đầu tư cho những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục…
Theo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn huy động của tỉnh khoảng 1.183 tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình, trong đó vốn ngân sách nhà nước lồng ghép gần 674 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Văn Bông cho rằng, chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Viện trưởng Ứng dụng và Khoa học công nghệ Mekong Nguyễn Thị Thúy Phượng cho rằng, xây dựng làng thông minh, hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Xã Bạch Ðằng là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm gắn kết các thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng nông thôn mới để làm bật các nhóm vấn đề trọng tâm, bao gồm các hợp phần về thiết chế thông minh, cộng đồng người dân thông minh, chính quyền thông minh và nông nghiệp thông minh; trong đó, cộng đồng người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng và quyết định kết quả triển khai làng thông minh.
Ðể lan tỏa mô hình làng thông minh, tỉnh cần chú trọng người dân phải được đào tạo thành những nông dân chuyên nghiệp, dám làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được mạng lưới kết nối với các đơn vị đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử, du lịch số, công nghiệp thực phẩm,… để đưa sinh viên Bình Dương đang học tại các trường về hỗ trợ người dân địa phương và kết nối thực tiễn, giúp thế hệ trẻ yêu hơn nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cùng tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo cùng nông dân...
Ðồng thời, có kế hoạch chuyên đề cho nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp đặc thù của làng theo hướng du lịch thông minh nhằm kích hoạt tính đa giá trị trong phát triển làng thông minh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Bình Dương.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm được tỉnh quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện xuyên suốt hơn 10 năm qua. Nổi bật, với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư đã góp phần giúp tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới… Qua nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm triển khai làng thông minh của xã Bạch Ðằng, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương có điều kiện thích hợp, nhất là ở các xã phía bắc của tỉnh có nông nghiệp tương đối trù phú, có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay.