Nông thôn mới nâng cao ở Bình Dương

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh Bình Dương có 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiệu quả từ chương trình đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn-thị thành được rút ngắn.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP của nông dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sản phẩm OCOP của nông dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Hiệu quả thiết thực

Qua ba năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh Bình Dương hoàn thành 100% xã nông thôn mới với tất cả 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tại Bình Dương, huyện Dầu Tiếng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 và 2018; các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Đến nay, nhiều công trình hạ tầng nông thôn tại Bình Dương được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của nông dân.

Tại các huyện nông thôn mới, sự đổi mới ngày càng rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, cơ hội việc làm rộng mở, hộ nghèo giảm nhanh, sắc diện nông thôn tươi tắn, trù phú.

Phấn khởi trước diện mạo nông thôn đổi mới, ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ: Nhờ nông thôn mới mà hệ thống điện, đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản đến tận ngõ, vừa giúp nông dân thuận lợi ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vừa thuận lợi cho thương lái đến tận vườn để thu mua nông sản, giúp nông dân có điều kiện vươn lên làm giàu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận cho biết: Nhận thức được quan điểm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo thông qua việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay huyện đã có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có hơn 40 sản phẩm OCOP tại huyện được công nhận; toàn huyện chỉ còn 219 hộ nghèo theo chuẩn nghèo nâng cao của tỉnh. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. Quá trình xây dựng nông thôn mới được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ tính riêng năm 2023, người dân đã ủng hộ gần 98,7 tỷ đồng thông qua việc hiến đất, cây trồng, ngày công lao động...

Lan tỏa cách làm sáng tạo

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển. Tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Đoàn Thanh niên tỉnh với “Phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Liên đoàn Lao động tỉnh với phong trào “Thi đua lao động giỏi, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; Hội Liên hiệp Phụ nữ có các chương trình, phong trào “Phụ nữ Bình Dương chung sức xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị”, “Bình Dương chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Hội Nông dân với các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân giúp nhau làm kinh tế gia đình; Hội Cựu chiến binh với các phong trào “Tuyến đường văn minh đô thị”... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Văn Bông cho biết: Quá trình thực hiện, Bình Dương không có nợ đọng về xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn thực hiện chương trình nông thôn mới từ năm 2021-2023 là 6.408,9 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%. Cách làm của tỉnh Bình Dương là bố trí vốn xây dựng nông thôn mới lồng ghép; trong đó, ưu tiên đầu tư cho những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục... Tất cả các dự án xây dựng cơ bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được thẩm định nguồn vốn và thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công. Cách làm như thế giúp các cấp chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư, cũng như phối hợp triển khai nhanh hơn, không có nợ đọng và có sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất đó là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, những kết quả đạt được chỉ là thành công bước đầu nhằm tạo nền tảng, tiền đề cho việc triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến nông thôn mới thông minh; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; chú trọng chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tạo ra giá trị gia tăng cao cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị... ■

Tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020...