Làng thông minh giữa phố thị

Nằm cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một chỉ 20 km, giữa thủ phủ công nghiệp Bình Dương, có một xã cù lao được bao bọc chung quanh bởi sông Đồng Nai, đất đai phù sa màu mỡ, cây cối tươi tốt quanh năm. Cù lao Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên) bởi lẽ đó, được lựa chọn là một trong những địa phương đầu tiên của Bình Dương, và cả nước, để thí điểm xây dựng mô hình làng thông minh giữa phố thị.
0:00 / 0:00
0:00
Hai bên đường làng Bạch Đằng là những hàng hoa rực rỡ được người dân chăm sóc hằng ngày. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Hai bên đường làng Bạch Đằng là những hàng hoa rực rỡ được người dân chăm sóc hằng ngày. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Làng thông minh Bạch Đằng khi hoàn thiện là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan công nghệ, nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, bảo vệ môi trường..., tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp-dịch vụ-du lịch sinh thái thân thiện với du khách và hấp dẫn với đối tác.

"Chìa khóa" kết nối chuỗi sản xuất

Khái niệm về làng thông minh còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên đã tồn tại và chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) thì làng thông minh lấy nền tảng là công nghệ kết nối với giá trị bản địa phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững. Để phát triển bền vững trong khu vực làng thông minh thì cần xây dựng được sự hợp tác, liên minh giữa các cộng đồng và các tác nhân khác ở khu vực thành thị.

Nhưng với người nông dân thì cách hiểu đơn giản hơn vậy. Lão nông Dương Văn Minh ở cù lao Bạch Đằng lý giải: "Làng thông minh gồm một từ làng và một từ thông minh. Làng thì rõ rồi: Một khu vực với diện tích nhất định mà cư dân chủ yếu là những người chuyên làm nông nghiệp truyền thống. Còn thông minh nghĩa là gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0 và bây giờ là thời 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư). Tựu lại thì nông dân Bạch Đằng giờ đang cố gắng đưa xã hội nông thôn quanh ruộng vườn đi lên bằng công nghệ, để trở thành những cư dân thông minh".

Vườn nhà ông Dương Văn Minh hơn 2.000m2 đang trồng bưởi đặc sản Bạch Đằng với công nghệ tưới tự động có thể tự điều chỉnh thời gian, lượng nước tưới phù hợp, tuy nhiên vẫn cần đến một số thao tác trực tiếp của người trồng. Điều đáng nói là người nông dân này chưa thỏa mãn với các công nghệ hiện tại.

Ông mong muốn có sự đổi thay hơn nữa khi được cập nhật những ứng dụng tiên tiến khác vào trồng trọt: "Bây giờ đã tưới tự động rồi, nhưng tương lai, tôi cùng các nông dân khác muốn làm thế nào để ngồi uống cà-phê ở quán vẫn có thể dùng màn hình điện thoại để bấm nút, điều chỉnh chế độ tưới tiêu trong vườn".

Có lẽ nhiều người cho rằng, mong muốn của nhà nông ở cù lao Bạch Đằng như ông Minh nhiều khi là không tưởng. Nhưng cách đây nhiều năm, chính ông Minh cùng bà con chòm xóm vẫn đang trồng, chăm bưởi thủ công thì nay họ đã học và áp dụng thành công hệ thống tưới tự động.

Đối với bà Hồ Thị Thủy (ấp Điều Hòa), ngoài áp dụng công nghệ để trồng bưởi thì bây giờ, gia đình bà đã áp dụng công nghệ IMO hữu cơ để canh tác trồng trọt, năng suất và lợi nhuận tăng đáng kể so trồng lúa vô cơ. Bà Thủy cho biết: "Được tập huấn để học công nghệ, hiện nay tôi đã có thể tự thực hiện quy trình nhân nuôi vi sinh bản địa IMO tại nhà.

Trong tương lai, nông dân cù lao Bạch Đằng sẽ đưa các ứng dụng của IMO vào sản xuất bưởi hữu cơ với chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn trồng bưởi đặc sản quê hương cù lao".

Công nghệ không chỉ được áp dụng trên ruộng vườn của người nông dân mà dần len lỏi sâu vào cuộc sống của dân làng Bạch Đằng. Chung quanh những con đường làng bê-tông phẳng phiu, hai bên là những hàng hoa rực rỡ, là sự hiện diện của hệ thống camera giám sát an ninh do công an xã quản lý.

Ông Hồ Tấn Lợi (ấp Tân Trạch) cho biết: "Hệ thống giám sát với công nghệ hiện đại giúp chúng tôi quen thuộc hơn với những tiện ích công cộng ứng dụng mạng internet. Giờ lên Ủy ban nhân dân xã để làm thủ tục hành chính cũng đã làm một cửa tự động. Người già chưa tỏ thì con cháu hỗ trợ, người trẻ chưa thông thì sẽ có cán bộ xã trực tiếp hướng dẫn. Ở Bạch Đằng giờ chúng tôi đang dần ứng dụng chữ ký số, mã nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc online…".

Ông Hồ Tấn Lợi là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng. Từ tổ hợp tác, ông cùng các bạn làng muốn xây dựng hợp tác xã để chuyên tâm sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch mang thương hiệu Bạch Đằng. Muốn vậy, Giám đốc Hồ Tấn Lợi nhấn mạnh: Chìa khóa để kết nối chuỗi sản xuất thông minh giờ đây là công nghệ. Các sản phẩm sạch khi đáp ứng các tiêu chí và được công nhận OCOP thì bao bì phải có mã QR truy xuất nguồn gốc, nhật ký đồng vụ… Khách hàng muốn mua sản phẩm thì chỉ cần quét mã là sẽ nắm được cụ thể về nguồn gốc, chất lượng sản xuất, gia tăng niềm tin đồng thời tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh tế. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng hiện có 21 hộ dân tham gia với tổng 20 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp trồng lúa ST25, cho thu nhập gấp nhiều lần so với trước đây.

Từ ngày thử nghiệm xây dựng, mô hình làng thông minh ở Bạch Đằng đã góp phần tăng cường sự kết nối của chuỗi sản xuất-đầu ra, nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Sản phẩm được chủ động tiêu thụ hơn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái như trước đây. Điều đáng nói là sản phẩm nông nghiệp Bạch Đằng giờ được quảng bá rất mạnh mẽ qua mạng xã hội cũng như các sàn giao dịch điện tử. Nhờ đó, sản phẩm dễ dàng, thuận lợi vươn tới rất nhiều địa phương trên cả nước cũng như nước ngoài, trực tiếp quảng bá để người tiêu dùng lựa chọn và mua bán qua các ứng dụng ngân hàng số.

Bởi lẽ đó, đến với Bạch Đằng, nhiều khách đường xa sẽ dễ bắt gặp hình ảnh những "TikToker", "YouTuber", "Facebooker"… đang livestream (phát trực tiếp) để quảng cáo, bán sản phẩm ngay tại các cơ sở sản xuất của nhà nông.

Làng thông minh giữa phố thị ảnh 1
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch mang thương hiệu Bạch Đằng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Nông dân thông minh của làng thông minh

Lão nông Dương Văn Minh là một người già uy tín ở Bạch Đằng, với vốn kiến thức văn hóa bản địa cũng sâu sắc không kém việc học hỏi công nghệ áp dụng vào làm nông. Ông cho rằng, làng chỉ có thể trở thành làng thông minh khi người nông dân cũng trở thành người nông dân thông minh. Lão nông dẫn chứng về cách thức sản xuất sáng tạo từ nguyên liệu là bưởi Bạch Đằng truyền thống của quê hương: Có những lúc giá cả xuống thấp đến nỗi người trồng bưởi ở cù lao trở thành chủ hàng của những cuộc giải cứu nông sản với giá rất rẻ. Không chấp nhận điều đó, người dân Bạch Đằng đã nghĩ ra cách: Bưởi xuống giá thì họ sẽ sản xuất ra những sản phẩm về bưởi như: Rượu bưởi, tinh dầu bưởi… sau đó áp dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị kinh tế. Bởi lẽ đó, khi các vựa bưởi ở những địa phương khác chịu cảnh cung thừa bị ép giá thì bưởi Bạch Đằng vẫn giữ nguyên vị thế.

Người nông dân thông minh không chỉ học cách để sản xuất thông minh bằng công nghệ, bán hàng thông minh qua mạng… mà còn phải thông minh trong việc bảo tồn, giữ gìn "hồn làng", mà bản chất là duy trì được tình làng nghĩa xóm giữa cuộc sống hiện đại. Người nông dân Bạch Đằng trước đây cũng thường dễ sa vào những thói quen xấu của nông thôn truyền thống như dễ chè chén, ăn nhậu khi rảnh… Chính quyền xã khi bắt đầu hành trình trở thành làng thông minh, đã mời những bậc cao tuổi đến để cùng bàn: Chúng ta phải làm gì?

Lão nông Dương Văn Minh kể: "Lúc đó, đường làng chật chội, tối tăm. Người làng làm nông chỉ đủ sống thì rảnh là tụ tập rượu chè, đầu óc sao mà mở ra được. Chúng tôi đề nghị xã một việc đơn giản thôi: Phải xây cầu, sửa đường, lắp đèn giao thông nông thôn. Sau đó giao cho các xóm trồng đường hoa, níu chân du khách, đối tác… Không khí thôn quê thay đổi, tâm lý người làng cũng thay đổi thì khách đến sẽ ở lại; đến nữa, mình mới thu được tiền từ du lịch, dịch vụ…".

Những ngày cuối tháng 1/2024, người dân Bạch Đằng đang chộn rộn với lễ hội "Hương bưởi Bạch Đằng" với sự tham gia của 59 gian hàng, nhằm tôn vinh và giới thiệu thương hiệu bưởi Bạch Đằng và các sản phẩm được chế biến từ trái bưởi của Bạch Đằng nói riêng và các loại cây có múi của thành phố Tân Uyên nói chung. Lễ hội cũng là hoạt động tuyên truyền Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng.

Ông Ngô Thanh Sơn (người dân thành phố Tân Uyên) cho biết, qua lễ hội, thương hiệu "Bưởi Bạch Đằng" vang xa hơn, khẳng định được vị thế của sản phẩm làng quê nông thôn mới. Lễ hội "Hương bưởi Bạch Đằng" cũng tôn vinh những người nông dân bản địa đã sáng tạo trong giữ gìn và phát huy nghề trồng bưởi bền vững trên cù lao Bạch Đằng, góp phần quan trọng đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với Làng thông minh mà nhiều năm qua, chính quyền và người dân xã Bạch Đằng cùng chung sức xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết: Làng thông minh là nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục...

Trong tương lai, Bạch Đằng sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho tỉnh công nghiệp Bình Dương. Nhờ hiệu quả xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng, hiện Bình Dương đang triển khai xây dựng mô hình này ở nhiều địa phương khác gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.