Phát huy vai trò Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận các cấp tỉnh Hà Nam tích cực phối hợp các đơn vị thành viên vận động người dân phát huy vai trò chủ thể tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Đường nông thôn mới tại xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đường nông thôn mới tại xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Năm 2020, tỉnh Hà Nam được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo lũy kế hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 43 trong số 83 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp được khẳng định rõ nét, qua các phong trào, các cuộc vận động được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia, tiêu biểu như phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo việc làm cho người dân. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phối hợp ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo đảm vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 105 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”; hơn 95% số khu dân cư có tổ thu gom rác thải. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động nhân dân chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Toàn tỉnh có 75 “Nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng”; 301 khu dân cư không có tội phạm; 325 khu dân cư không có người nghiện và tái nghiện; 628 khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng tại 69 “Tổ tự quản trật tự an toàn giao thông”, với 415 thành viên... đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở khu vực trọng điểm.

Bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Nam đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên được đánh giá là có hiệu quả rõ nét. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy, khơi dậy tiềm năng sức mạnh của cộng đồng dân cư trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên tiếp tục phối hợp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trên cơ sở phát huy hiệu quả tinh thần đoàn kết, phát huy tổng hợp sức mạnh nội lực để đạt được kết quả cao nhất trong xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam tổ chức tọa đàm về “Giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021-2025”. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến của các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề trọng tâm như: Công tác chỉ đạo, phối hợp của chính quyền trong triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phát động tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Các ý kiến tại tọa đàm đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân trong thực tế của các cấp Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, coi Mặt trận như công cụ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền mà chưa có sự phối hợp thống nhất. Một số nơi còn có tình trạng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được sự tham gia của cộng đồng; bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà không tiếp tục duy trì, phấn đấu thực hiện nâng cao các tiêu chí sau khi đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đôi khi còn chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ...

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam đề nghị: Mặt trận các cấp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từng bước đưa công nghệ số, chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thông minh; tăng cường vận động, huy động và xã hội hóa nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; chú trọng thực hiện tốt các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào khác; thực hiện tốt công tác hướng dẫn kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời lồng ghép với việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Nam tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, theo hướng xây dựng nâng cao, kiểu mẫu. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nam có ít nhất một huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 12 đến 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%...