Những năm gần đây, xã Đức Bác rộn ràng nghề trồng hoa, cây cảnh, nhiều nhất là ở xóm Khoái (gồm hai thôn Khoái Thượng, Khoái Trung) với diện tích 27,5 ha. Xóm Khoái nằm ven sông Lô, tiếp giáp thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), người dân vừa sản xuất hoa, cây cảnh, vừa làm thêm nghề buôn bán gốm sứ. Cả xóm có 170 hộ với gần 1.000 lao động làm nghề này. Sản phẩm chủ yếu của xóm Khoái là các loại cây thế, cây bon-sai nghệ thuật, cây xanh, cây bóng mát, cây trang trí như hoa giấy, hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa mộc..., nhiều loại cây cảnh bon-sai và cây thế được khách hàng ưa chuộng như cây xanh, si, lộc vừng, tùng la hán, hoa giấy, mẫu đơn...
Trước đây, thị trường hoa cây cảnh của Đức Bác chủ yếu là tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), hiện nay thị trường mở rộng khắp các vùng, miền trong cả nước. Người dân trong xã mua sắm hàng trăm xe tải chuyên chở sản phẩm giao tận tay khách hàng; mua máy trộn đất, làm nhà màng, nhà lưới phục vụ ươm giống và chăm sóc cây. Giáp Tết Nguyên đán, các loại hoa từ đây tỏa đi tiêu thụ các nơi.
Đã có nhiều hộ dân thuê đất nông nghiệp với giá cao để trồng hoa, cây cảnh. Chị Trần Thị Thuân, chủ vườn nhà Thái Thuân cho biết: Gia đình thuê hơn 7.000 m2 đất để trồng các loại cây mẫu đơn, chay, giấy, mộc, riêng bạch thiên hương có 800 cây. Hằng ngày, chị Thuân thuê người livestream bán hàng tại vườn, khách hàng tha hồ chọn và có thể nhận cây tại nhà. Làng hoa, cây cảnh xóm Khoái đã được công nhận là làng nghề của tỉnh.
Đức Bác là vùng đất cổ, nơi hiếm hoi duy trì làn điệu hát xoan (hát trống quân Đức Bác), gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Xã Đức Bác ngày nay có diện tích khoảng 752 ha với hơn 9.000 dân, trong đó nông dân chiếm khoảng 70%. Chỉ cách thành phố Việt Trì một con sông nhưng Đức Bác vẫn là xã nghèo, cuộc sống chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 59,5 triệu đồng, khá thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi chưa có cầu Vĩnh Phú, cứ sáng tinh mơ là hàng trăm người dân trong xã xếp hàng tại bến đò Đức Bác để sang thành phố Việt Trì làm thuê, bán rau, bán cá. Từ khi cầu Vĩnh Phú được khánh thành tháng 8/2023, việc đi lại thuận tiện hơn, lượng phương tiện vận tải tăng cao. Tuy nhiên, đầu cầu phía Việt Trì đường phố rộng rãi, còn đầu cầu phía Vĩnh Phúc vẫn là đường đê chật chội, cho nên giao thông vẫn chưa thuận tiện.
Trong khi dự án đường đấu nối từ cầu Vĩnh Phú với đường song song đường sắt chạy thẳng về thành phố Vĩnh Yên chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Hai bên tuyến đường này được quy hoạch để xây dựng một khu đô thị và một trung tâm thương mại, việc giải phóng mặt bằng không gặp khó khăn, nhưng nhà đầu tư chưa vào do đường chưa thông. Hiện tại, trên địa bàn xã còn có hơn 20 ha đất dành cho Khu công nghiệp Sông Lô 1 đang trong giai đoạn kiểm đếm trả tiền bồi thường.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bùi Văn Đồng cho biết: Đức Bác được định hướng trở thành đô thị loại V giai đoạn 2024-2030. Khu vực đầu cầu Vĩnh Phú là điểm giao nhau của nhiều tuyến giao thông sẽ phát triển mạnh các loại hình thương mại dịch vụ. Từ năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch chung đô thị Đức Bác; năm 2024, huyện Sông Lô phê duyệt Đề cương và dự toán Chương trình phát triển đô thị Đức Bác đến năm 2030. Theo đó, Đức Bác sẽ trở thành đô thị có tính chất trung tâm cụm xã phía tây bắc huyện Sông Lô; là trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Sông Lô và khu vực. Đức Bác đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có và cần tranh thủ thời cơ để bứt phá.