Nông dân Trùng Khánh xót xa chặt hạ vườn quýt “trăm triệu”

NDO - Do bị bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh Greening), hơn 200 vườn quýt, với diện tích hàng chục héc ta ở xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng phải chặt bỏ, gây thiệt hại lớn đối với nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Hoàng Văn Diện, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chặt bỏ cây quýt bị bệnh vàng lá, thối rễ.
Anh Hoàng Văn Diện, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chặt bỏ cây quýt bị bệnh vàng lá, thối rễ.

Từ lâu, thương hiệu quýt Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã nổi tiếng, được thị trường ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng, vị thanh, ngọt mát, chua nhẹ. Trong đó, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là “thủ phủ” của cây quýt Trà Lĩnh. Mỗi vụ, cây quýt mang lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho hàng trăm hộ nông dân.

Khoảng 2 năm trở lại đây, cây quýt bị sâu bệnh, chết dần chết mòn trên diện rộng. Không “cứu” được cây quýt, hàng trăm hộ nông dân ở xã Quang Hán phải “bấm bụng”, xót xa chặt hạ vườn quýt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đã từng giúp gia đình mình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cây thoát nghèo, làm giàu

Thời “hoàng kim” diện tích cây quýt ở xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, đạt gần 100ha. Nếu chăm bón tốt, 1ha quýt cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Với giá bán bình quân khoảng 25 đến 30 nghìn đồng/kg; dịp Tết, những quả to, đẹp, khách hàng sẵn sàng chi trả 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Giá trị kinh tế cao, cây quýt đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.

Đồng chí Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Hán, chia sẻ, tiêu biểu như các hộ Hoàng Văn Nhất, Bế Văn Tướng ở xóm Bản Niếng, thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/vụ; còn số hộ thu nhập từ vài chục đến trăm triệu đồng/vụ thì rất nhiều. Cây quýt đã giúp hàng trăm hộ nông dân tại địa phương thoát nghèo, làm giàu.

Nông dân Trùng Khánh xót xa chặt hạ vườn quýt “trăm triệu” ảnh 1

Cây quýt mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Bà Lê Thị Viện, xóm Vững Bền, xã Quang Hán chia sẻ, lúc cao điểm vườn quýt của gia đình có 150 cây. Do chịu khó đầu tư chăm bón, cây quýt năng suất nhất cho khoảng 1 tạ quả/vụ, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, cây quýt sai quả nhất cho thu nhập 2,5 triệu đồng/vụ. Nhờ cây quýt, gia đình bà kinh tế ổn định, chăm lo đầy đủ cho 3 con đi học đại học.

Anh Hoàng Văn Diện, ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán chia sẻ, với vườn quýt 100 cây, mỗi dịp giáp Tết, thu hoạch quả, gia đình cầm chắc thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ở xóm Cô Mười, xã Quang Hán, gia đình Bí thư chi bộ xóm Nông Quốc Bảo là hộ tiên phong trồng 100 cây quýt, thu nhập hơn 100 triệu đồng năm. Thấy hiệu quả, gia đình anh đầu tư cây giống, phân bón, mở rộng diện tích, trồng thêm 100 cây nữa, nâng cao thu nhập.

Đến nay, do cây bị sâu bệnh, chết dần, chết mòn, gia đình bà Viện, anh Diện, anh Bảo đã phải chặt bỏ vườn quýt mang lại thu nhập cao của gia đình.

Cây bị bệnh vàng lá, thối rễ

Xót xa vì vườn cây đặc sản địa phương bị sâu bệnh tàn phá, bà Lê Thị Nguyệt, xóm Vững Bền cho biết, gia đình trồng 60 cây quýt, được 3 năm tuổi, cây bắt đầu cho thu hoạch thì cây bị bệnh, đến nay, còn sót lại 8 cây.

Đưa chúng tôi ra xem những cây quýt còn sót lại, bà Nguyệt chỉ 1 cây đang có quả nhưng lá vàng vọt nói, cây này cũng đang có dấu hiệu bị sâu bệnh. Bà Nguyệt mong mỏi, đề nghị chính quyền hỗ trợ, giới thiệu cho người dân giống quýt mới, có khả năng chống chịu sâu bệnh, để nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Nông dân Trùng Khánh xót xa chặt hạ vườn quýt “trăm triệu” ảnh 2

Cây quýt còn sót lại của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, xóm Vững Bền, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) có dấu hiệu bị bệnh vàng lá, thối rễ.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Quang Hán, năm 2020, diện tích cây quýt tại địa phương đạt gần 100ha. Đến nay, do cây bị sâu bệnh, cả xã chỉ còn khoảng 30ha, cả diện tích, sản lượng, thu nhập của người dân đều giảm mạnh.

Ghi nhận thực trạng kể trên, xã đã gửi báo cáo lên huyện, ra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đề nghị hỗ trợ, cán bộ ngành nông nghiệp địa phương đã đến kiểm tra, đánh giá tình hình, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục.

Nông dân Trùng Khánh xót xa chặt hạ vườn quýt “trăm triệu” ảnh 3

Mảnh vườn nơi trồng quýt bị bệnh phải chặt bỏ, bà Lê Thị Nguyệt, xóm Vững Bền chuyển sang trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò.

Đồng chí Hà Minh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh, cho biết, qua kiểm tra, đánh giá và lấy các mẫu phân tích cho thấy, cây quýt ở xã Quang Hán bị bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh Greening).

Đây là loại bệnh nguy hiểm, thường xuất hiện trên các loại cây ăn quả có múi như cam, chanh, quýt, bưởi và đến nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh cho cây trồng. Cây trồng đã bị bệnh này, cần chặt bỏ, tiêu hủy để không lây lan ra các cây khác.

Đối với những khu vườn có cây đã nhiễm bệnh thì cần chuyển sang trồng loại cây khác, để đất phục hồi, sau 3 đến 4 năm mới nên trồng lại cây ăn quả có múi.

Nông dân Trùng Khánh xót xa chặt hạ vườn quýt “trăm triệu” ảnh 4

Vườn cây ăn quả bị sâu bệnh, người dân xóm Vững Bền, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phải chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng.

Chia sẻ giải pháp khắc phục thiệt hại, đồng chí Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Hán, cho biết, xã đã tuyên truyền, phổ biến khuyến cáo của ngành nông nghiệp đến nông dân địa phương.

Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trùng Khánh tổ chức 2 lớp tập huấn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng và kỹ thuật phòng bệnh cho cây ăn quả có múi cho hơn 100 nông dân.

Về lâu dài, địa phương mong mỏi các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra cách đặc trị bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh Greening) trên cây ăn quả có múi, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững.