Vẻ đẹp hùng vĩ non xanh nước biếc Cao Bằng

Nằm ở vùng địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, những dãy núi đá vôi trùng điệp được bao phủ bởi những tán rừng già xanh mướt chiếm tới 90% diện tích toàn tỉnh đã ban tặng cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng những danh thắng tuyệt đẹp làm say đắm lòng người. Là một trong ba cái tên Việt Nam vinh dự lọt vào danh mục Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Global Geopark Network) của UNESCO, vẻ đẹp hùng vĩ của non xanh nước biếc Cao Bằng ẩn chứa sức hấp dẫn, mời gọi không thể chối từ. Như câu ca dao mà nhiều thế hệ người Việt từng ngân nga, “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.
0:00 / 0:00
0:00
Thác Bản Giốc. Ảnh: báo ảnh Việt nam
Thác Bản Giốc. Ảnh: báo ảnh Việt nam

“Mỏ vàng” với trữ lượng vô tận

Theo đánh giá của GS,TS Tạ Hòa Phương - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch địa chất thì “Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Non nước Cao Bằng là một vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Gần 100 điểm di sản văn hóa và thiên nhiên đã được thống kê, mô tả, riêng lĩnh vực địa di sản cũng có tới hàng chục điểm di sản độc đáo, nổi tiếng tầm thế giới hoặc khu vực”.

Báo cáo đánh giá xếp hạng các loại hình di sản văn hóa-lịch sử-khảo cổ và đa dạng sinh học khu vực CVĐCTC Non nước Cao Bằng của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) của nhóm tác giả do PGS,TS Trần Tân Văn chủ trì cho thấy, CVĐCTC này có tới sáu giá trị di sản văn hóa-lịch sử (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cụm núi Báo Đông, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Thành Nà Lữ Hòa An, Đền Vua Lê làng Đền, Bia Ngự chế và Bia Câu Thủy Bi ký), ba danh lam thắng cảnh - di sản địa mạo địa chất (Thác Bản Giốc, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao) và hai khu vực đa dạng sinh học (Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén) được xếp hạng giá trị quốc tế.

Ở tầm mức giá trị quốc gia, rất nhiều cái tên đã được liệt kê trong bản báo cáo. Từ đền thờ Nùng Chí Cao đến miếu Nà An, từ hang khảo cổ Ngườm Càng tới Di tích khảo cổ học hậu kỳ đá mới Sộc Áng, từ hang Bó Thủy đến rừng gỗ nghiến cổ thụ Hạ Lang, từ di tích thành nhà Mạc tới vách núi Lũng sa, từ di sản phi vật thể đàn tính-hát then Cao Bằng đến Lễ hội Nàng Hai (Phục Hòa)... Bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... của mảnh đất được mệnh danh là “cái nôi văn hóa phía bắc” cũng là lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch sinh thái nhân văn.

Cuộc tổng kiểm kê của các chuyên gia địa chất sau khi khảo sát thực địa và khoanh vùng, xác định diện phân bố đã cho thấy CVĐCTC Non nước Cao Bằng sở hữu tới 22 cụm di sản đặc biệt giá trị. Có thể kể tới Cụm di sản hệ thống turlogh hồ Thang Hen và hang động ngầm, Cụm cảnh quan Karst Hà Quảng, Cụm thác Bản Giốc, Cụm bảo tồn vượn Cao Vít (Trùng Khánh), Cụm di tích quốc gia Rừng Trần Hưng Đạo, Cụm di sản hang động Karst Bằng Ca, Cụm granite Phia Oắc... Với những giá trị đa dạng địa chất về tuổi-địa tầng-cổ sinh, khám phá những cụm di sản này sẽ giúp du khách có cái nhìn chuyên sâu về hoạt động Karst cũng như kiến tạo vỏ trái đất (địa kiến tạo) và cổ sinh vật học.

Trong tổng số hơn 500 hang động, hố sụt, điểm xuất lộ nước trải dài trên địa bàn sáu huyện thì có tới 190 điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Cao Bằng cũng là địa danh sở hữu tới 12 trên 30 hang động có phương nằm ngang dài nhất Việt Nam. Bởi thế, nơi đây dư thừa điều kiện để ghi tên vào bản đồ du lịch Việt như một thiên đường hang động đặc biệt hấp dẫn, với những điểm đến thu hút những tín đồ đam mê khám phá như động Ngườm Ngao, hang Dơi, động Ghì Rằng, hang Ngườm Pục...

Không chỉ có hang động, Cao Bằng còn được ban tặng tới năm hệ sinh thái rừng tự nhiên che phủ tới gần 56% diện tích toàn tỉnh, được quy hoạch thành tám khu rừng đặc dụng bao gồm sáu khu bảo vệ cảnh quan rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng hai khu dự trữ thiên nhiên và bảo tồn loài đặc hữu. Tới Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén hay Khu bảo tồn vượn Cao Vít (Trùng Khánh) là thỏa sức khám phá hệ sinh thái động-thực vật vô cùng đa dạng, với rất nhiều giống, loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao.

Nhắc đến CVĐCTC Non nước Cao Bằng thì không thể quên vẻ đẹp quyến rũ của núi Mắt thần (còn có tên là núi Thủng) bên hồ Nặm Chá, hồ Thang Hen - nơi người dân thường hoa mỹ gọi bằng cái tên “tuyệt tình cổ trấn”, cổng trời Trà Lĩnh hay điểm dừng trên đèo Mã Phục... Đặc biệt, Bản Giốc vừa là thác nước nằm ở đường biên giới quốc gia lớn thứ tư thế giới, vừa là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á đã trở thành niềm tự hào của mọi con dân đất Việt.

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên mê đắm, Cao Bằng còn là địa chỉ đỏ với truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Pác Bó là nơi đón Bác Hồ về nước, sống và làm việc trong suốt quãng thời gian từ 1941 đến 1945. Khu Di tích Kim Đồng lưu giữ bóng hình người anh hùng nhỏ tuổi. Rừng Trần Hưng Đạo lưu dấu chân đầu tiên của những chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Và Khu Di tích Đông Khê còn lưu giữ vẹn nguyên chiến thắng oai hùng mở màn Chiến dịch Biên giới thu đông 1950. Trên hành trình khám phá CVĐCTC, những hành trình về nguồn sẽ là điểm nhấn đặc thù đủ sức níu chân mọi du khách trân trọng truyền thống cha ông.

Điểm sáng trên bản đồ du lịch địa chất tương lai

“Non nước Cao Bằng” có lẽ là cái tên lãng mạn nhất, đầy chất thơ nhất trong danh mục 177 CVĐCTC thuộc 46 quốc gia trên thế giới. Và có lẽ cũng không nhiều địa danh trong số đó ôm chứa trong mình một “mỏ vàng” với trữ lượng vô hạn luôn mời gọi và có thể đáp ứng mọi yêu cầu (từ leo núi xuyên rừng tới khám phá hang động, từ tìm hiểu văn hóa-lịch sử đến làm giàu kiến thức địa chất-cổ sinh, từ du lịch sinh thái đến du lịch cộng đồng, từ du lịch mạo hiểm tới du lịch nghỉ dưỡng...) của đa dạng đối tượng du khách.

Hiện tại, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm từng tuyến hoặc cả lần lượt cả ba tuyến đường để khám phá trọn vẹn một CVĐCTC với những trải nghiệm độc đáo, riêng có, khó quên.

Tuyến “Khám phá Phia Oắc - Vùng núi của những đổi thay” khởi hành theo hướng tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Phai Khắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ vonfram Lũng Mười và Bản Ỏ, trang trại cá hồi Phia Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén cùng Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo... “Trở về nguồn cội” đưa du khách từ thành phố Cao Bằng ngược lên phía bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan Karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên và trọng tâm là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” thì hướng về phía đông, đưa du khách đến với cảnh quan Karst, khám phá các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách có cơ hội sống chậm để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi ở “xứ sở thần tiên”.

Từ cuối năm 2021, Cao Bằng đã có kế hoạch đưa vào khai thác tuyến thứ tư, bao gồm địa giới hành chính của toàn bộ thành phố Cao Bằng cùng các huyện Thạch An, Quảng Hòa. Đây là các địa phương có nhiều di sản diện mạo địa chất, văn hóa, lịch sử đặc sắc từ cổ xưa đến hiện đại đan xen. Từ hơn 40 điểm di sản tiềm năng, các chuyên gia đã chọn ra 15 điểm di sản địa mạo địa chất-văn hóa-lịch sử để kết nối thành một lộ trình thú vị. Theo chuyên gia tư vấn quốc tế Guy Martini, Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, “tuyến thứ 4 CVĐCTC Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế gắn liền với giá trị di sản lịch sử, văn hóa bản địa tạo thành tuyến tham quan, trải nghiệm du lịch rất hấp dẫn. Bên cạnh di sản địa chất có cảnh quan đẹp bởi địa hình là những làng nghề, bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mang giá trị nhân văn, đa dạng sinh học. Sự đan xen sẽ đem đến cho du khách một cảm giác bình yên sau trải nghiệm di sản địa chất trên địa hình chia cắt mạnh bởi những va chạm mạnh vỏ trái đất, khám phá ra điều kỳ diệu về con người”.

Được UNESCO chính thức vinh danh từ tháng 4 năm 2018, CVĐCTC Non nước Cao Bằng đang dần trở thành cái tên thu hút du khách trong và ngoài nước, một điểm sáng trên bản đồ du lịch địa chất toàn cầu. Hiện, công việc chuẩn bị hồ sơ đăng cai đang được tỉnh tiến hành và nếu không có gì thay đổi, Cao Bằng sẽ trở thành “vị chủ nhà hiếu khách” của Hội nghị Công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2024.

Vẻ đẹp hùng vĩ non xanh nước biếc Cao Bằng ảnh 1

Búp sen lộn ngược trong động Ngườm Ngao.