Nông dân Hà Nội “mặc áo”, rửa sương chống rét cho rau xanh

NDO -

Đợt lạnh sâu kỷ lục tại miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đã khiến cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, nông dân ngoại thành Hà Nội đã “mặc áo” cho rau, đồng thời tăng cường các biện pháp chăm bón.

Lợp nhà, mặc áo chống lạnh cho rau. (ẢNH: SƠN BÁCH)
Lợp nhà, mặc áo chống lạnh cho rau. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Theo ghi nhận nhanh của phóng viên Nhân Dân, tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội), đợt rét đậm, rét hại đã khiến nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại. Đặc biệt, tốc độ sinh trưởng của cây rau cũng ở mức thấp hơn bình thường.

Bà Nguyễn Thị Thơ-chủ một vườn rau cho hay: “Bao nhiêu năm nay mới có một đợt rét đậm như này. Thời tiết này khiến cho rau cỏ không thể lên được và rất chậm lớn”.

Nông dân Hà Nội “mặc áo”, rửa sương cho rau xanh chống -0
Nhiều diện tích rau màu bị cháy lá, hư quả do mưa và sương muối. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Chỉ tay ra những luống rau cải và súp lơ đang bắt đầu mọc lên chừng một gang tay, bà khẳng định: Nếu cứ chăm sóc cánh đồng như cách thông thường mọi năm thì sẽ… mất mùa. Không chỉ rét đậm, rét hại, đợt mưa cuối tuần trước kéo dài cũng khiến cho rau gặp phải hiện tượng úng, ngập. Một số loại rau thu lá như mồng tơi, cải… đều bị dập nát, giảm sản lượng thu hoạch.

Anh Hoàng Quốc Lượng, một người trồng rau lâu năm tại huyện Thanh Trì cũng phải nhăn mặt vì thời tiết. Theo anh Lượng, sương muối hơn 10 ngày qua càng khiến cho công việc của bà con khó khăn hơn. Sương muối khiến  lá, quả… rất dễ bị “cháy”.

Nông dân Hà Nội “mặc áo”, rửa sương cho rau xanh chống -0
Diện tích trồng xu hào tại Tiên Dương bị ngập úng (ẢNH: SƠN BÁCH) 

Để khắc phục hiện tượng thời tiết cực đoan trên, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đã “sáng tạo” ra nhiều cách. Tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), ngay từ đầu đợt rét, bà con đã chủ động mưa ni-lông, uốn tre thành “lồng” rồi lợp lên, “mặc áo” để che cho cây trồng. Nhìn từ trên cao, cả cánh đồng xã Tiên Dương thẳng tắp với hàng trăm “giàn che” song song nhau, mỗi giàn kéo dài hàng chục mét.

Cực nhất là khâu “soát lỗi” khi những người như bà Thơ mỗi ngày đều phải đi dọc luống, phát hiện chỗ nào ni lông rách lại phải dùng băng dính bịt kín lại để giữ ấm cho rau.

Nông dân Hà Nội “mặc áo”, rửa sương cho rau xanh chống -0
Che kín cây trồng bằng ni-lông là một giải pháp hữu hiệu (ẢNH: SƠN BÁCH) 

Bên cạnh đó, để “tăng sức sống” cho rau, bà con cũng đã tăng cường chăm bón. Bà Lê Thị Ngân cho hay: “Mọi hôm, trời ấm thì chỉ cần cấy vài hôm là rau ra rễ luôn. Nhưng rét như thế này, chúng tôi phải tưới kích rễ để cây mau bám đất; đồng thời tăng cường phân gio nhiều hơn bình thường”.

Anh Lượng tại Thanh Trì lại có “độc chiêu” khác. Do chủ yếu trồng cải xoăn vốn là dòng cây thấp, ưa lạnh nên điều khiến vợ chồng anh sợ nhất là sương muối. Để khắc phục, cả hai thường xuyên dậy từ tờ mờ sớm, tưới thật đẫm lá. “Đây là cách để rửa sương hiệu quả và giảm chi phí”, anh Lượng nói.

Nông dân Hà Nội “mặc áo”, rửa sương cho rau xanh chống -0
Ngoài ra, bà con cũng tăng cường chăm bón, tăng chất kích rễ để cây sinh trưởng nhanh hơn. (ẢNH: SƠN BÁCH) 

Chăm sóc, thu hoạch rau vào những ngày rét đậm, rét hại cũng khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Theo anh Lượng, do nhiệt độ quá thấp nên mỗi khi ra đồng, mọi người đều phải mặc thêm rất nhiều quần áo để giữ ấm. Ngoài ra còn có áo mưa, ủng và mũ đội đầu.

“Kín thế nhưng vẫn rất rét. Chúng tôi thường phải ra ruộng từ 23 giờ đêm để thu hoạch cho kịp phiên chợ sáng lúc 3 giờ”, anh Lượng bày tỏ. Những khoản phát sinh do thời tiết lạnh giá: Thuốc thực vật, bạt ni-lông, chất bón… cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao.

“Bù lại, giá rau cũng tăng cao đôi chút và nhu cầu của người dân cũng vẫn rất nhiều nên chúng tôi cũng mừng. Nhưng thật sự chỉ mong trời nhanh ấm lên cho bà con đỡ cực,” bà Ngân tại xã Tiên Dương mong ước.