Tìm nhiều hướng dạy nghề cho nông dân
Theo một số kết quả nghiên cứu, nông dân đạt trình độ tay nghề giỏi ở nước ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình 20%, còn lại là yếu kém. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp lại rất tùy tiện, ít tuân thủ các quy định và quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất chỉ có 13%. Từ những thực tế nêu trên, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xác định công tác dạy nghề, đào tạo, tập huấn cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề, Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dạy nghề từ T.Ư đến các khu vực và địa phương. Ngoài cơ sở dạy nghề còn có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng và cộng tác viên làm công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, Hội Nông dân Việt Nam còn phối hợp Hội Nông dân Đức tổ chức đưa các cán bộ, giáo viên, nông dân trẻ, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại CHLB Đức. Các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các nghệ nhân, các nông dân có tay nghề cao tham gia, tổ chức dạy nghề truyền nghề cho nông dân gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng.
Sau mỗi lớp dạy nghề, các cấp hội tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu và tìm cách giải quyết việc làm cho nông dân, giúp nông dân có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các cấp hội rất chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân sau khi học nghề, như cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tín chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Mô hình đạt hiệu quả thiết thực
Là một trong nhiều đơn vị thực hiện khá hiệu quả mô hình "Nông dân dạy nông dân". Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Cạn Lưu Văn Quảng chia sẻ, việc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân là một việc làm thiết thực để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân. Tuy nhiên, không phải hình thức tập huấn nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn. Việc lựa chọn hình thức tập huấn rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của lớp tập huấn. Vì vậy, để tìm ra một hình thức tập huấn phù hợp là yêu cầu khách quan của việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội nông dân tỉnh Bắc Cạn còn tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau bốn năm triển khai, bước đầu mô hình đã khẳng định được hiệu quả. Bởi những "giảng viên" nông dân là người địa phương, đã có mô hình áp dụng thành công, do đó họ rất hiểu phong tục, tập quán và trình độ canh tác của người địa phương, họ truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm theo cách hướng dẫn thực hành là chính và có mô hình thực tế để tham quan nên người nghe rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Mặt khác, giảng viên nông dân sẵn sàng lên lớp chuyển giao kỹ thuật ở những vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn, những thôn bản người dân tộc thiểu số, có điều kiện hơn trong việc theo dõi những học viên của mình áp dụng và mở rộng mô hình... Đây là những ưu điểm nổi bật của mô hình "Nông dân dạy nông dân".
Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức cho 40 học viên là các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có kinh nghiệm sản xuất tham gia lớp tập huấn "Nông dân dạy nông dân". Sau khi kết thúc lớp tập huấn, Hội Nông dân tỉnh cấp giấy chứng nhận cho các học viên và ra thông báo gửi Ban phát triển các xã vùng 135 để các ban căn cứ nhu cầu thực tế ký kết hợp đồng tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân.
Tuy nhiên theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang Đỗ Trung Kiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn do trình độ năng lực của giảng viên nông dân còn hạn chế. Phần lớn, họ chỉ có kinh nghiệm thực tế, mô hình thành công tại địa phương nhưng do chưa qua đào tạo chuyên môn sâu cho nên khi soạn giáo án còn lúng túng. Các "giảng viên" nông dân hầu hết chưa có bằng cấp chuyên môn, thiếu các thông tin của các chương trình, dự án khác hiện đang triển khai ở địa phương. Điều kiện tập huấn nâng cao chuyên môn giảng dạy cho các nông dân còn hạn chế... Để thực hiện tốt mô hình "Nông dân dạy nông dân", ông Kiên đề xuất cần tiếp tục khuyến khích, quan tâm và nhân rộng mô hình tập huấn, các lớp đào tạo, xây dựng những kênh thông tin giúp các "giảng viên" nông dân tiếp cận được các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho biết: Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp từng vùng, từng nhóm đối tượng, từng sản phẩm, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài. Một số mô hình "Nông dân dạy nông dân" đã được Hội Nông dân và một số tổ chức thực hiện đã đạt được những thành công nhất định trong công tác dạy nghề, được đánh giá là mô hình hiệu quả trong đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.