Nơi lưu dấu chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Cuối tháng 12 năm 1972, bằng tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí và sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ. Hơn 50 năm đã trôi qua, dấu tích về cuộc chiến oanh liệt của dân tộc vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng B52 qua hàng nghìn tài liệu, hiện vật.
0:00 / 0:00
0:00
Xác máy bay B52 được trưng bày tại không gian ngoài trời. (Ảnh BẢO TÀNG CUNG CẤP)
Xác máy bay B52 được trưng bày tại không gian ngoài trời. (Ảnh BẢO TÀNG CUNG CẤP)

Tọa lạc tại số 157 phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội), Bảo tàng Chiến thắng B52 khánh thành ngày 22/12/1997 và được cải tạo, nâng cấp trong tháng 12/2022 với tổng diện tích hơn 7.550 m2. Bảo tàng là nơi trưng bày, giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Thủ đô qua các thời kỳ lịch sử, mà đỉnh cao là chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Đây được coi là một trong những bảo tàng độc đáo nhất thế giới, bởi chỉ ở Việt Nam mới có một bảo tàng dành riêng cho trưng bày chiến thắng máy bay B52 của đế quốc Mỹ.

Với điểm nhấn là hoạt động trưng bày ngoài trời, bảo tàng dành khoảng 4.000 m2 để trưng bày, giới thiệu các vũ khí, khí tài lập công của quân dân Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Những hiện vật tái hiện một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, một thế trận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp với “Máy bay tầm cao; tên lửa tầm trung; súng máy phòng không, súng cao xạ tầm thấp” nhằm đánh bại hoàn toàn chiến dịch sử dụng “Pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ.

Một hiện vật tiêu biểu của khu trưng bày ngoài trời là chiếc máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Theo lời giới thiệu của Thượng tá Phạm Thị Hoàng Vân, cán bộ Phòng Trưng bày-Tuyên truyền, bảo tàng đã thu gom những mảnh xác máy bay B52 mà quân và dân ta đã bắn rơi trong 12 ngày đêm tại rất nhiều địa điểm, sau đó lắp đặt thành hình của máy bay chiến lược B52 với thân dài 49,05m và với sải cánh 56,39m.

Với diện tích khoảng 1.500 m2, phần trưng bày trong nhà của bảo tàng gồm: giới thiệu truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, trong đó điểm nhấn là tổ hợp trưng bày 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô; lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; tổ hợp trưng bày Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” với chuyên đề về âm mưu của địch, sự tàn khốc của chiến tranh hủy diệt ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, cùng với hình ảnh khắc phục hậu quả do máy bay địch bắn phá Hà Nội; hình ảnh quân và dân ta vượt lên mất mát, đau thương, chiến đấu bảo vệ Thủ đô, hạ gục máy bay B52 và nhiều loại máy bay khác,…

Thượng tá Phạm Thị Hoàng Vân cho biết: “Chúng tôi trưng bày một nhóm hiện vật được làm từ mảnh xác máy bay các loại của Mỹ từ B52, máy bay F111 hay là các loại máy bay chiến thuật khác như F105. Các cô chú tự vệ, dân quân thời bấy giờ đã sử dụng xác máy bay để chế tác thành những vật dụng cá nhân như cặp lược, bình hoa treo tường, nồi cơm, mâm, bát…”.

Bảo tàng Chiến thắng B52 đã đưa vào sử dụng sa bàn 3D mapping Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, với công nghệ 3 chiều kết hợp cùng hệ thống ánh sáng, âm thanh tạo khói và phim video chiếu màn ảnh lớn, để phục vụ khách tham quan. Sa bàn đã tái dựng những khoảnh khắc lịch sử huy hoàng của Hà Nội, qua đó giúp du khách hiểu hơn về những ngày tháng ác liệt, nhưng đầy oai hùng của quân dân Thủ đô.

Suốt những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B52 luôn là điểm đến thu hút du khách. Hằng năm, bảo tàng đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu. Theo Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B52 Nguyễn Văn Quý, trong những năm qua, bảo tàng không ngừng đổi mới về mọi mặt, trưng bày một cách sinh động các hiện vật để mọi người khi đến tham quan có thể hiểu và tự hào hơn về chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.