Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên:

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long

NDO - Là hậu duệ của gia tộc buôn voi lừng lẫy xứ Đông Dương, Đàng Năng Long cũng là người từng sở hữu nhiều voi nhà nhất Việt Nam. Trước sự suy giảm quần thể, ông vẫn đau đáu với bài toán tìm nhà, ghép đôi và nhân giống cho voi.

Giữa tháng 7/2023, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh chú voi mang tên Banang bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả Banang về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành.

Số phận của Banang thật ra không hề cá biệt, thậm chí còn có phần may mắn hơn nhiều đồng loại. Trước Banang, hàng trăm chú voi nhà cũng đã rơi vào “bi kịch” với nhiều câu chuyện thương tâm khác nhau. Đó là một Păk Kú tại Buôn Đôn (Đăk Lắk) từng bị chém hơn 200 nhát búa và rìu, bị rình trộm xác khi đã mất những năm 2010. Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, hai chú voi phục vụ du lịch tại tỉnh Lâm Đồng đã bị kẻ gian chặt đuôi để về… làm trang sức.

Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền cũng như các tổ chức bảo tồn nhằm giữ nhà và bảo vệ cho voi, quần thể sinh vật đặc hữu của Tây Nguyên vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết về Ký ức voi Tây Nguyên, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về số phận bi kịch của Voi - một biểu tượng đang dần thất truyền nếu không có các hành động quyết liệt của vùng đất đỏ bazan kiêu dũng.

KHẮC KHOẢI VOI NHÀ

Trong cơn mưa chiều đầu mùa, Đàng Năng Long đứng trầm mặc trước khoảng sân rộng được dựng bên hông nhà dài. Phía bên trong, chú voi đực gần 40 tuổi đứng lừng lững, hiền lành vươn vòi sát vào tay chủ.

Như đã viết ở kỳ trước, Đàng Năng Long là con của dũng sĩ săn voi Đàng Nhảy. Mẹ ba của ông là bà Sao Thong Chăn, mỹ nhân buôn voi lừng lẫy khắp xứ Đông Dương. Mang theo “dòng máu” ấy, ông nối nghiệp mẹ cha để gắn bó với voi như một người bạn thủy chung và nghĩa tình trong suốt hơn 60 năm qua. Ông được người Tây Nguyên gọi vui với biệt danh "vua voi" bên hồ Lắk.

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 1

Tác giả bên chú voi đực Khăm Sen tại nhà của vua voi Đàng Năng Long. Năm nay, Khăm Sen cũng đã gần 40 tuổi.

Ngày còn nhỏ, cậu bé Đàng Năng Long sống trong cảnh “cứ ra ngõ là sẽ thấy voi”. Voi kéo gỗ, voi gùi hàng hóa để cha mẹ ông đổi lấy vải, lấy muối của miền xuôi. Có thời điểm, trong nhà ông có tới hàng chục con voi lớn nhỏ. Lớn lên, ông tiếp tục đảm nhiệm công việc quản lý đàn voi tại Khu du lịch Hồ Lắk trước khi nghỉ để về chuyên tâm chăm sóc và tìm cách bảo tồn voi.

“Người Tây Nguyên chúng tôi coi voi như người nhà. Voi khi được đưa về cũng sẽ được đặt tên, trở thành anh, chị em với các thành viên còn lại. Ngày lễ Tết, voi cũng được chia phần. Khi mất, voi cũng được chôn cất theo đúng lễ nghi quy định”, ông nói.

Đang mặn chuyện, Đàng Năng Long bỗng dưng thở dài, ánh mắt xa xăm nhìn ra phía dãy chuồng mà Khăm Sen đang lừng lững đứng gặm mía. Ông bảo, đã hàng chục năm nay ở Đắk Lắk, voi nhà không thể sinh sản thành công. Nguy cơ “mất voi” đang trở nên nhãn tiền hơn bao giờ hết.

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 2

Voi đực Khăm Sen bên trong khu chuồng nuôi tại nhà "vua voi" Đàng Năng Long.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Con người và Thiên nhiên (PanNature), trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500-2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124-148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Về voi nhà, ngay tại thủ phủ Đắk Lắk, số lượng voi cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979-1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980-2000) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn gần 37 cá thể voi nhà, phân bố tại các huyện Buôn Đôn, Lắk và Krông Ana.

Ngay từ những năm 1990, Đàng Năng Long đã nghĩ tới và đi tiên phong trong việc ghép đôi cho voi đẻ. Mặc dù vậy, giai đoạn này, ông đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong tâm thức đồng bào Tây Nguyên, voi là loài động vật thiêng liêng. Cũng bởi vậy, việc sinh nở của voi phải được diễn ra giữa đại ngàn, dưới sự chứng kiến và bảo hộ của thần rừng. Thêm vào đó, các nài voi cũng rất ngại để voi mang bầu vì voi sẽ bướng bỉnh, không nghe lời. Ấy là chưa kể tới việc voi mẹ sẽ phải mất từ 2-3 năm mang bầu, từ đó mất đi khả năng lao động.

Ngừng lại một lát, người đàn ông da rám nắng tiếp lời. Ông bảo, thật ra, còn một lý do khác nữa khiến các chủ voi ngần ngại. Cả chủ voi cái lẫn voi đực đều sợ trong lúc giao phối voi đực làm bị thương voi cái, rồi khi voi con sinh ra ai sẽ là chủ sở hữu…

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 3

"Vua voi" Đàng Năng Long từ nhiều năm qua vẫn đau đáu với giấc mơ "ghép đôi" để voi nhà sinh sản. (Ảnh: Sơn Bách)

Có lần voi đực nhà ông giao phối với voi cái của một chủ voi khác, người này lo lắng: “Voi tôi chết ai đền”. Không chút ngần ngại ông Long chỉ vào con voi đực to lớn của mình trả lời: “Tôi đền con voi đực này cho”.

Ngày biết Đàng Năng Long định “ghép đôi” cho voi, rất nhiều nài tại Buôn Đôn, Lắk… đã đồng loạt phản đối. Họ cho rằng, ông đang làm trái với luật tục, và rằng ông sẽ bị Giàng phạt vì quyết định ngỗ ngược này.

Nhưng, Long “voi” không sợ. Ông chỉ sợ đàn voi sẽ cứ mai một dần đi theo năm tháng. Ông bảo, ông đã sinh ra dưới chân voi, lớn lên trên lưng voi nên để voi có thể sinh sản, ông sẵn sàng tham gia bằng bất cứ giá nào.

“Nếu không nhanh, chỉ vài năm nữa thôi, voi nhà sẽ dần dần biến mất”. Nghĩ thế, hậu duệ của gia tộc Ama Ku bắt tay vào việc “se duyên”. Nan giải nhất, không phải cặp voi nào cũng… chịu nhau. Giống như con người, voi cũng biết cảm mến, yêu thương trước khi chính thức ghép đôi, ghép cặp.

HÀNH TRÌNH LÀM "ÔNG MỐI CHO VOI"

Đàng Năng Long bắt đầu hành trình kỳ lạ của mình bằng cách… đi chuộc Y Trút-chú voi đực to lớn và tinh khôn nhất mà gia tộc anh đã từng bán đi trước đó. Mất 100 triệu và rất nhiều cuộc thương thuyết, ông mới đưa Y Trút trở về. Sau đó không lâu, đến lượt voi cái H’Khun cũng được “hồi hương” theo cách tương tự. Và như một vận may, Y Trút và H’Khun nhanh chóng có tình cảm, dần dần quấn quít bên nhau.

“Khi ấy, chúng tôi mừng lắm nên quyết định ghép đôi để chúng giao phối. Ban đầu, cặp đôi này rất e ngại khi có sự có mặt của con người nên ban ngày tôi phải núp thật kỹ. Nhớ mãi có lần giữa đêm đang ngủ thì tôi được báo Y Trút đã xổng chuồng. Nghe tin, chúng tôi chạy tới nơi thì thấy chỉ còn voi cái nằm im không cử động. Lúc này, tôi rất hoảng và nghĩ Y Trút có lẽ đã húc chết H’Khun rồi”, ông Long kể.

Thế nhưng khi tới gần, ông mới phát hiện voi cái chỉ bị kiệt sức… do quá mệt, còn chú voi đực do… đói vì mất sức nên giật xích đi tìm… đồ ăn.

Sau chuyến “ghép đôi” đầu tiên ấy, lần lượt 4 đôi voi khác cũng được ông Long dẫn mối, se duyên. Kết quả của những “chuyện tình” đại tượng ấy là voi cái H’Túc đã mang bầu trong niềm vui khôn xiết của những người chăm sóc. Ngực chú voi mẹ cứ lớn dần lên, bước chân nặng nề hơn trong những ngày cuối. Thậm chí, H’Túc đã “vượt cạn” thành công nhưng đau lòng là voi con khi được 3 tháng tuổi cũng đã mất.

Nài voi Y Thanh Uông ở Yang Tao, huyện Lắk là bạn rất thân của vua voi Đàng Năng Long. Đón chúng tôi trong cơn mưa tầm tã của một chiều đầu tháng 8, ông không ngại ngần cho chúng tôi xem ảnh của Băk Khăm-một trong 3 chú voi nhà duy nhất đã mang thai sau H’Túc năm nào. Kể lại chuyện cũ, Y Thanh Uông vẫn thoáng buồn.

Năm 2006, dòng họ Uông mua Băk Khăm từ buôn Hra (Krông Ana) về nuôi dưỡng. Khi ấy, Băk Khăm còn… trẻ, dáng đẹp, mông nở, tai lớn như hai chiếc quạt. 3 năm sau, Băk Khăm bắt đầu muốn… có chồng nhưng Y Thanh Uông đi dạm hỏi khắp nơi không ai đồng ý cho voi đực ghép đôi vì sợ… voi đực “mê gái” sẽ khó bảo.

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 4

Nài voi Y Thanh Uông bên chú voi cái Băk Khăm, một trong 3 chú voi nhà đã mang theo tại Đắk Lắk. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mãi đến năm 2018, qua mai mối của Đàng Năng Long, Băk Khăm mới được kết đôi cùng voi Thông Răng. Kết quả, chú voi tại Yang Tao mang bầu. Đúng 24 tháng sau, voi mẹ chuyển dạ. Sau 3 ngày giấu mình trong những tán rừng, một chú voi con đã ra đời. Nhưng đáng tiếc, một lần nữa voi con không thể sống sót. Mất con, Băk Khăm đau đớn khóc. Y Thanh Uông và rất nhiều người khác cũng đã khóc như mất đi một người thân yêu trong gia đình…

Trước và sau những H’Túc, Băk Khăm, 2 ca “vượt cạn” khác của voi đã bất thành. Đó là vào tháng 10/2017, voi mẹ Ban Nang khi ấy 38 tuổi chuyển dạ, sinh được một con voi được nặng khoảng 90kg nhưng voi con đã bị chết ngạt. Tiếp đó, tháng 2/2020, voi Bặc On (38 tuổi) cũng tại Yang Tao tiếp tục thất bại khi “sinh đẻ”.

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 5

Voi cái Băk Khăm bên voi đực Thông Răng. (Ảnh do nài voi Y Thanh Uông cung cấp)

Các chuyên gia về voi cho rằng, các cá thể voi mẹ đã vượt qua độ tuổi sinh sản vàng nên sẽ rất khó khăn. Hơn thế, sau mấy chục năm xa rời tự nhiên, khả năng làm mẹ của voi đều đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong nhà vua voi Đàng Năng Long hiện chỉ còn 6 con voi có tên lần lượt là H’Luân, H’Túk, H’Bok Khăm, Khăm Sen, Y Măm, Thông Răng. Trong đó, H’Bok Khăm, Khăm Sen, H’Túk cùng sinh năm 1984 nên còn khả năng sinh sản tốt. Số voi còn lại đã già trên 50 tuổi nên khả năng sinh sản không còn.

“Những con đực thì luôn thể hiện khả năng giao phối mạnh mẽ ở mọi lứa tuổi, còn voi cái khả năng sinh sản tốt nhất là trước 50 tuổi. Tuy nhiên, điều kiện là trước 50 tuổi voi cái phải được giao phối và đẻ con, chứ để đến 50 tuổi mới cho giao phối thì rất khó mang thai và đẻ con, do những tập tính sinh lý bị đứt quãng quá lâu nên khả năng rụng trứng, thụ tinh kém”, ông nói.

Thêm vào đó, sinh cảnh cho voi có thể “kết đôi” hiện cũng không còn. Điển hình như tại huyện Lắk còn 14 con voi nhưng chưa có khu rừng nào để tập trung voi nên 6 con voi nhà ông Long mỗi con xích một nơi, các nhà khác xích một nơi nên việc “gặp gỡ và giao duyên” càng trở nên… mù mịt. Tại ven hồ Lắk, nài voi Y Thanh Uông chua xót nói: Nhiều năm trước, chúng tôi đã kiến nghị cần quy hoạch khu chăn thả cho đàn voi. Voi cũng giống con người, cần không gian để yêu và được yêu. Do đó, khu chăn thả rộng là rất cần thiết.

Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long ảnh 6

Những chú voi cô đơn tại hồ Lăk. Trong ảnh, nài voi Y Vinh bên chú voi đực hàng chục năm tuổi của mình. (Ảnh: Thành Đạt)

Trời vẫn đổ mưa. “Vua voi” Đàng Năng Long lại im lặng. Chén trà trên tay ông khẽ run lên. Ông bảo, thực sự nếu không có biện pháp can thiệp mạnh và sớm, bắt kịp độ tuổi sinh sản vàng của voi, voi nhà tuyệt chủng sẽ là chuyện không quá xa xôi.

Nghe câu chuyện khắc khoải bên hồ Ea Kao lộng gió, tôi chợt có cảm giác ông giống như một chàng Đôn Ki hô tê người M’nông đang tự dấn thân vào một hành trình riêng đầy chông gai và chưa có hồi kết. Nhưng, một ngọn lửa nhóm lên từ một tình yêu lớn có lẽ cũng tiếp thêm hy vọng cho đàn đại tượng tại Tây Nguyên.

Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 2362/QĐ-UBND phê duyệt dự án khẩn cấp Bảo tồn voi Đắk Lắk đến 2020, đồng thời giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp voi nhà sinh sản tự nhiên cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đảm trách. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã triển khai thu thập tất cả các thông tin có liên quan đến thực trạng voi nhà không sinh sản (độ tuổi, giới tính, khả năng tự bắt cặp giao phối, thời gian voi làm việc, bản năng và tập quán sinh sản của voi). Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng Tăng cường mối liên kết hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật trên thế giới để tiếp nhận khoa học kỹ thuật thúc đẩy quá trình sinh sản tự nhiên của voi nhà. Tuy nhiên tới nay, bất chấp những nỗ lực của nhiều bên, voi con vẫn chưa thể ra đời ở Bản Đôn hay bất cứ khu vực nào khác của Đắk Lắk.

(Kỳ tiếp theo: Những con voi có số phận bi thảm nhất Tây Nguyên)

back to top