Lễ cúng sức khỏe cho voi của đồng bào Tây Nguyên

Lễ hội truyền thống các dân tộc tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của đồng bào các dân tộc Ê Đê, M Nông, Lào. Tại lễ hội, đồng bào đã tái hiện Lễ cúng sức khỏe cho voi, một nghi lễ lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Sau lễ cúng, chủ lễ bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi khỏe mạnh.
Sau lễ cúng, chủ lễ bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi khỏe mạnh.

Đã bao đời nay, với đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn, voi đã trở thành con vật thân thiết. Bởi từ xa xưa, những Gru (dũng sĩ săn voi) ở Buôn Đôn đã tổ chức săn bắt loài vật to lớn này từ đại ngàn hùng vĩ về thuần dưỡng, để rồi ngày càng tạo nên mối quan hệ vô cùng thân thiết với con người. Voi không còn là con vật nuôi đơn thuần mà trở thành những “người bạn lớn” vì voi tham gia phần lớn các hoạt động hằng ngày cùng bà con các dân tộc. Với tình yêu ấy, lễ cúng sức khỏe cho voi ra đời như một cách để con người thể hiện sự tri ân đối với loài voi. Lễ cúng là nghi thức cầu thần linh ban cho voi sức khỏe và đây cũng là lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước đối với những thế hệ sau hãy biết quan tâm, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho đàn voi. Vì vậy, sau bao nhiêu thế hệ, lễ cúng sức khỏe cho voi đã trở thành một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Già làng Ma An ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn tâm sự: Từ xa xưa, con voi đã trở thành hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Giàng (trời) đã ban cho họ. Vì vậy, lễ cúng sức khỏe cho voi được đồng bào tổ chức rất chu đáo. Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của bà con các dân tộc. Thầy cúng cùng các người điều khiển voi (nài voi) trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần, gạo có gắn đèn sáp ong, một chén cơm, một bầu nước, một vài đĩa lòng heo… Bắt đầu lễ cúng, chủ lễ đọc lời khấn, mong Giàng cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho buôn làng. Sau lễ khấn, từng chú voi sẽ tiến lại gần, chủ lễ sẽ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn khỏe mạnh, an toàn.

Lễ cúng sức khỏe cho voi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa và nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương, quý trọng của con người đối với con vật nuôi. Nhất là trong những năm gần đây, khi số lượng đàn voi nhà ở Đác Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung ngày càng giảm mạnh, hiện toàn tỉnh Đác Lắc chỉ còn gần 40 con thì lễ cúng sức khỏe cho voi càng có ý nghĩa quan trọng. Thông qua lễ cúng sức khỏe cho voi, đồng bào các dân tộc ở Buôn Đôn nhắn nhủ với mọi người hãy quan tâm, chăm sóc và bảo vệ đàn voi.