Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và biết con mình đã chính thức đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội, anh Trần Hoài Nam ở huyện Sóc Sơn lập tức lên đường tìm thuê nhà trọ cho con theo học những năm sắp tới.
Tuy nhiên, việc tìm nhà trọ năm nay đã khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước.
Anh Trần Hoài Nam cho biết, trong quá trình tìm nhà trọ ở khu vực quận Cầu Giấy, nơi gần trường con anh sẽ theo học, anh đã nhiều lần nhìn thấy tấm biển cảnh báo:
“Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, nhà cho thuê chưa bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy”, được Ủy ban nhân dân phường sở tại treo ngay trước cửa các khu nhà trọ. Điều này khiến anh bất an và lo lắng.
Nhờ sự chỉ dẫn của bạn bè và qua các trang mạng xã hội, anh Nam tìm đến một số cơ sở cho thuê trọ bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng cũng không còn chỗ vì nhu cầu tăng cao; đồng thời, giá cho thuê cũng đã tăng lên so với thời điểm trước, không phù hợp với mức thu nhập của gia đình anh.
Theo nhiều chủ nhà trọ, hiện việc bố trí chỗ ở cho những người đang trong hạn hợp đồng cho thuê cũng là điều nan giải chứ chưa nói đến việc nhận thêm người mới.
Cùng có chung nỗi lo như anh Nam, chị Nguyễn Hoài Phương ở Nam Định, sau nhiều ngày không tìm được nhà trọ để thuê cho con chị theo học những năm tới, đã liên hệ với một người cháu đang thuê trọ tại khu vực quận Thanh Xuân để cho con chị ở nhờ trong những tháng đầu nhập học.
Tuy nhiên, người cháu chị cho biết, hiện cũng phải tìm địa điểm thuê trọ mới vì nơi trọ cũ đã bị dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng cháy, chữa cháy.
Qua tìm hiểu, nhiều chủ nhà trọ cho biết, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ phải dừng một thời gian để tiến hành tu sửa, lắp đặt các thiết bị bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy và thời gian tu sửa có thể kéo dài từ 1-2 tháng.
Nhiều chủ nhà trọ cho biết, mặc dù có khách đến thuê trọ, nhưng đành phải khước từ vì đang trong quá trình tu sửa.
Nếu khách hàng còn nhu cầu có thể quay lại thuê sau khi đã hoàn tất công tác tu sửa, nhưng đến lúc đó còn phòng cho thuê hay không thì không dám chắc và mức giá cho thuê khi đó có thể sẽ tiếp tục thay đổi so với thời điểm hiện nay.
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, qua công tác kiểm tra, rà soát các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, Công an Hà Nội vừa yêu cầu 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn phải dừng hoạt động để bảo đảm an toàn; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Thực hiện yêu cầu của cơ quan công an, nhiều chủ nhà trọ đang lên kế hoạch tu sửa, lắp đặt các thiết bị bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy đồng thời đề nghị những người đang thuê trọ tìm địa điểm mới trong thời gian tu sửa.
Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan chức năng, với thực trạng của nhiều khu nhà trọ hiện nay, việc tu sửa, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không còn mặt bằng, thậm chí có nhiều khu nhà trọ không thể khắc phục được.
Theo thống kê, mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước vào khoảng 660.000 người, trong đó các trường tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội.
Theo quy định, sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng được bố trí ở ký túc xá trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nêu rõ, học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
Tuy nhiên, số lượng sinh viên được vào ở khu ký túc xá của các trường cũng như được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở đạt tỷ lệ thấp do số lượng nhà ở không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cùng với đó, phần lớn học sinh, sinh viên từ các tỉnh sau khi học xong đều có nhu cầu ở lại các thành phố lớn để làm việc. Điều này cho thấy, sức ép về nhà trọ ngày càng tăng lên và là nhu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển.
Để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho sinh viên ở các tỉnh xa về thành phố học tập, các ngành chức năng cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện các giải pháp tổng thể để phát triển các dự án nhà ở cho sinh viên; trong đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, mở rộng các khu ký túc xá hiện có cũng như có chính sách ưu đãi đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó có sinh viên.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh thực hiện đề án di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, đồng thời xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng tại các trường đại học, cao đẳng, trong đó có khu ký túc xá nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên.