Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn

NDO - Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, bà Bồ Thị Gái (thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục) vẫn luôn ước mơ có được căn nhà lành lặn, vững chắc để nếu sau này lỡ nằm xuống, cô con gái bị nhiễm chất độc da cam có thể tự chăm sóc bản thân mình được.
0:00 / 0:00
0:00
Căn nhà nhỏ liêu xiêu của ông Thảo (Bình Lục, Hà Nam) không có gì đáng giá hơn... chiếc xe lăn người con trai khuyết tật của ông đang ngồi. Cả ông Thảo và con đều là nạn nhân da cam.
Căn nhà nhỏ liêu xiêu của ông Thảo (Bình Lục, Hà Nam) không có gì đáng giá hơn... chiếc xe lăn người con trai khuyết tật của ông đang ngồi. Cả ông Thảo và con đều là nạn nhân da cam.

Mong muốn của bà Gái cũng là giấc mơ chung của rất nhiều hộ dân là nạn nhân mang nỗi đau da cam tại huyện chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam.

Những ngôi nhà không lành lặn

Đến thôn An Dương, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục, Hà Nam), không phải hỏi thăm quá lâu, chúng tôi đã đến được nhà ông Nguyễn Văn Thường. Trong căn nhà nhỏ lợp mái tôn cũ kỹ, ông Thường buồn rầu kể lại hoàn cảnh của mình.

Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thường viết đơn tình nguyện lên đường tham gia thanh niên xung phong tại “chảo lửa” Quảng Trị. Sau 3 năm mưa bom, bão đạn, ông Thường trở về An Dương với… gia tài lớn nhất là người vợ hiền – cũng là người đồng chí, đồng đội sát cánh trong những ngày chiến đấu. Họ lần lượt có với nhau 5 người con lành lặn bình thường.

Dừng lại một chút, ông Thường buồn bã: “Chỉ đến khi cô con gái thứ 6 chào đời với nhiều biểu hiện lạ, chúng tôi mới nhận ra mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Cháu tới tận hơn 3 tuổi mới biết đi, mỗi lần gặp người lạ hay nghe thấy tiếng nói to là sợ. Đến giờ hơn 30 tuổi nhưng cháu vẫn cứ ngây ngô như con nít”.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 1

Ông Thường buồn bã kể về hoàn cảnh gia đình mình.

Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, sức khỏe của vợ chồng ông Thường đã suy giảm, thường xuyên đau ốm và không làm được việc gì nặng. Cũng bởi thế, căn nhà hai ông bà xây từ năm 1990 chưa một lần được tu sửa, ngày càng xuống cấp. Toàn bộ tường xung quanh nứt toác, bong tróc. Phần mái tôn trải qua mưa nắng dãi dầu cũng trở nên hư hỏng, thường xuyên dột mỗi khi mưa xuống.

“Vợ chồng tôi ao ước được giúp sửa lại mái nhà để mưa nắng đỡ cơ cực”, ông Thường khe khẽ thở dài bày tỏ.

Cũng có hoàn cảnh tương tự là trường hợp của ông Đinh Phúc Thể (thôn Đồng Tập, xã La Sơn). Bản thân ông Thể là nạn nhân chất độc dioxin nên bị suy giảm khả năng lao động. Đau đớn hơn, thế hệ thứ hai của ông cũng được xác định “mang nỗi đau da cam”. Anh Đinh Văn Bá ngay từ khi sinh ra đã dị tật chân tay, mắt trái thị lực giảm. Sau nhiều năm đấu tranh cùng bệnh tật, hiện tại anh Bá buộc phải ngồi trên xe lăn. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải trông cậy vào người cha già ốm yếu.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 2

Nỗi đau da cam kéo dài sang cả thế hệ thứ 2 như một ám ảnh khôn nguôi.

Do gia đình không có điều kiện, hai cha con ông Thể và anh Bá ở chung trong một gian nhà dựng tạm, chỉ có 4 vách tường và một tấm mái che bằng phi-prô xi-măng lụp xụp. Bước vào bên trong, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi thứ tài sản đáng giá nhất là chiếc giường cũ kỹ và… chiếc xe lăn anh Bá được các Mạnh thường quân tặng. Qua tháng năm, tường bên trong nhà bong tróc. Đến cây cột chống nhà cũng phải được gá tạm bằng… tre.

“Chỉ mong có căn nhà nhỏ cho con tự chăm sóc mình”

Cách nhà cha con ông Thể không xa là trường hợp đau lòng không kém của bà Bồ Thị Gái (84 tuổi) và cô con gái Nguyễn Thị Viện. Trong những năm kháng chiến, chồng bà Gái, ông Nguyễn Văn Vĩnh đi bộ đội và đóng quân ở chiến trường miền Nam. Ngày trở về, do không biết mình bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học quái ác, ông và bà sinh thêm một người con và đặt tên là Nguyễn Thị Viện. Chị Viện ra đời, mang theo bao hy vọng và cả niềm hạnh phúc ngày đoàn viên.

Ngân ngấn nước mắt, bà Gái nhớ lại: “Năm 1974, tôi trở dạ và sinh ra Viện. Ngày ấy, thấy con tay chân không thẳng thớm như bình thường, tôi đã khóc cạn cả nước mắt”.

Người mẹ đất La Sơn lại đau đớn hơn khi càng lớn, Viện càng có những biểu hiện không bình thường, thường xuyên co giật, trí não phát triển chậm. Chị hay bỏ nhà đi lang thang, chỉ khi đói hoặc mệt mới trở về.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 3

Bà Gái và chị Viện - nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai nhiễm chất độc da cam.

Hai mẹ con bà Gái ở chung trong một gian nhà chỉ rộng chừng 15m2, trống huếch hoác với chỉ một chiếc giường nhỏ. Mỗi khi mưa lớn, nước lại rỉ qua mái, len lỏi qua những vết nứt chằng chịt trên 4 bức tường chảy vào trong khiến hai người ướt sũng.

Ngồi thừ người nhìn đăm đăm ra màn mưa đang rả rích bên ngoài để… đợi con về, bà Gái khẽ thở dài, lấy bấy nói: “Toàn bộ cuộc sống của hai mẹ con trông chờ vào khoảng hơn 2 triệu tiền trợ cấp chế độ. Nhiều lúc, nhìn con mà tôi chảy nước mắt, nghĩ dại nếu sau này lỡ nằm xuống, không biết nó sẽ tự phải xoay xở ra sao. Suốt mấy năm qua, ước mơ duy nhất của tôi là được các mạnh thường quân giúp đỡ xây một căn nhà lành lặn, nhỏ thôi để cho con tôi sau này có thể tự chăm sóc được mình”.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 4

Hai mẹ con bà Gái sống trong căn nhà nhỏ đã nhiều năm không được tu sửa.

Tại xã An Nội (Bình Lục, Hà Nam), bà Lại Thị Mười cũng có niềm mong mỏi tương tự. Chồng bà, ông Nguyễn Viết Bát từng tham gia chiến trường Quảng Trị rồi nhiễm chất độc da cam. Ông bà có tất cả 4 người con thì 2 con trai đầu không may mắn cũng bị ảnh hưởng.

“Ông nhà tôi được hưởng chế độ vài năm thì mất. Cháu lớn do ốm yếu nên đã mất sau đó không lâu. Còn anh thứ hai sinh năm 1976 hiện đang phải nằm viện vì tai biến, sức khỏe rất yếu”, bà Mười kể lại.

Dẫn chúng tôi vào căn nhà đã xây từ năm 1975, bà Mười cho biết từ đó đến nay, do không có điều kiện tu sửa nên hệ thống cột kèo bằng gỗ đã bị mối mọt nghiêm trọng, tường bốn bên nứt nẻ, có khả năng sập bất cứ lúc nào.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 5

Bà Mười bên căn nhà đã không được sửa chữa từ... năm 1975

Trường hợp của ông Trần Quốc Thảo (xã Trung Lương) cũng không kém phần bi đát. Từng là bộ đội tham gia chiến trường Quảng Trị và mặt trận Biên Hòa từ năm 1965, ông Thảo là thương binh hạng 4/4 và nạn nhân da cam hạng 3/4. Trở về từ khói lửa, ông sinh được 3 người con thì cô con gái út, Trần Thị Thoa bị ảnh hưởng nên trí óc không được bình thường. Ở tuổi 80, ông phải ở nhờ nhà người con trai lớn, ngày ngày cùng vợ chăm sóc cho Thoa.

“Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm để có thể cất lại một ngôi nhà nhỏ, an toàn để tự lo tuổi già và chăm sóc cho các cháu bị nhiễm chất độc da cam”, cả bà Mười và ông Thảo bày tỏ.

Nỗi đau da cam và ước mơ về những ngôi nhà lành lặn ảnh 6

Ông Thảo đến nay vẫn phải ở nhờ nhà con trai.

Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam mặc dù không nằm trong vùng bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh nhưng nỗi đau da cam vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó trong góc khuất mỗi làng quê, con phố. Những người như bà Gái, bà Mười, ông Thảo, chị Viện, chị Thoa… chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm hoàn cảnh đau thương trên mảnh đất chiêm trũng này.

Theo ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin huyện Bình Lục, toàn huyện có gần 600 nạn nhân da cam, trong đó có 343 nạn nhân trực tiếp, 242 người gián tiếp.

Huyện Bình Lục cũng ghi nhận có trường hợp di truyền đến đời cháu, chắt. Thậm chí, nhiều gia đình còn mất giống nòi. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Vì họ mang nỗi đau da cam suốt đời.