Hành trình xoa dịu nỗi đau chất độc da cam

Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay đầu tiên của không lực Hoa Kỳ bắt đầu phun rải chất độc dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô (Kon Tum), mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền nam Việt Nam. 61 năm đã trôi qua, nhưng những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn rất nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Bạn bè quốc tế tham quan Triển lãm Thảm họa chất độc hóa học/dioxin-60 năm nhìn lại. (Ảnh LAN VŨ)
Bạn bè quốc tế tham quan Triển lãm Thảm họa chất độc hóa học/dioxin-60 năm nhìn lại. (Ảnh LAN VŨ)

Trong suốt hơn 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ và đồng minh đã rải gần 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin và khoảng 9.000 tấn chất độc CS xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây của Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu héc-ta. Chất độc này gây nên thảm họa khốc liệt mà hiện nay hậu quả của nó vẫn còn tiếp diễn...

Vượt lên nỗi đau kéo dài...

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân (họ là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, bị vô sinh hoặc có con cháu dị dạng dị tật...). Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nguy hiểm hơn, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ở nước ta có tới 4-5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn; nhiều nạn nhân không có khả năng lao động, thậm chí không có khả năng làm chủ hành động của bản thân...

Điều này để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội, nhất là khi bố mẹ nạn nhân qua đời, những người con bệnh tật, dị dạng, dị tật, không còn người nuôi dưỡng. Đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết nạn nhân chất độc da cam còn rất nhiều khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân. Hầu hết gia đình nạn nhân thuộc hộ nghèo, khó có khả năng thoát nghèo.

Tuy nhiên, vượt lên số phận, nhiều nạn nhân chất độc da cam đang nỗ lực để từng chút, từng chút cải thiện cuộc sống của mình và gia đình. Cha là cựu chiến binh Nguyễn Phong Hào (sinh năm 1947) tham gia chiến trường B3 Tây Nguyên, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1980, xã Hưng Nhân, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) ngay từ khi sinh ra đã dị tật, phải có người cõng khi đi học. Nhưng người phụ nữ tự chủ, kiên cường ấy vẫn chăm chỉ lao động, trải qua nhiều công việc để tự nuôi sống bản thân, như đi đan lưới, thêu ren, phụ may, bán hàng.

Hành trình xoa dịu nỗi đau chất độc da cam ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Hà hướng dẫn các bạn trẻ học nghề cắt tóc.

Chị bị ngã nhiều lần, mà hễ ngã là gãy xương, đến giờ đã phải thay một số khớp. Trải qua nhiều lần đau đớn thể xác, chị quyết định đi học nghề cắt tóc để có thể làm việc tại nhà. Từ cắt tóc miễn phí cho người trong làng, rồi ai cũng tin tưởng tay nghề cho nên quán của chị ngày càng đông khách. Chị Hà đã vươn lên để tạo chỗ đứng cho mình trong cuộc sống. Với mong muốn giúp đỡ mọi người, 24 năm qua, chị đã hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 150 bạn trẻ quanh vùng giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn có cơ hội vươn lên.

Cùng đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nam Định đến thăm và trao quà tặng anh Nguyễn Duy Nam (sinh năm 1981, thôn Đại Lộc, xã Yên Chính, huyện Ý Yên), chúng tôi mới thấm thía những khó khăn mà mỗi nạn nhân chất độc da cam đang vượt qua từng ngày. Bố anh là thiếu tá về hưu, thương binh Nguyễn Duy Khiêm (sinh năm 1941) bị nhiễm chất độc da cam khi vào chiến trường Ninh Thuận chiến đấu. Ngay khi sinh ra anh Nam đã bị liệt hai chân, nhưng anh vẫn may mắn hơn rất nhiều khi hai người em kế tiếp sinh ra còn không được cất tiếng khóc...

Ở tuổi ngoài 40, người đàn ông có đôi chân teo tóp, muốn đi gần thì dùng hai cánh tay, đi xa phải dùng xe lăn... vẫn cần mẫn mỗi ngày sửa những chiếc nồi cơm điện, chiếc quạt điện hỏng mà người dân quanh làng tin tưởng mang đến cái quán nhỏ không biển hiệu của anh. Thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 3, 4 triệu đồng, nhưng anh đã cùng vợ nuôi dạy hai con trai trưởng thành.

Những nỗ lực bền bỉ

Hơn 16 năm qua, khó khăn, vất vả chưa bao giờ làm nản lòng Chủ tịch hội Phạm Ngọc Kiểm. Là trung tá quân đội về hưu, gắn bó với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định từ những ngày đầu thành lập (năm 2006), ông Kiểm đã cùng những người cựu chiến binh, những cán bộ nghỉ hưu không quản ngày đêm xây dựng hoạt động hội để có thể giúp đỡ đồng đội của mình, những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam...

Hơn 5 năm phải làm việc nhờ tại nhà Chủ tịch hội tiền nhiệm, nhờ căn nhà ba gian mượn được của bên quân đội, hiện nay hai căn phòng làm việc của Hội được Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Nam Định cho mượn cũng sắp phải dọn đi để trả lại mặt bằng. Nhưng nỗi canh cánh trong lòng người Chủ tịch Hội hơn 74 tuổi ấy lại là “Nam Định có tới 2.500 nạn nhân gián tiếp, phần lớn các cháu bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, không tự phục vụ được, không có điều kiện học hành, không có việc làm... Khi bố mẹ, những người chăm sóc già yếu, qua đời, ai sẽ là người nuôi dưỡng, chăm sóc, họ nương tựa vào đâu?...

Bà Trần Thị Hiền (75 tuổi, quận Lê Chân, Hải Phòng), vợ của thương binh từng chiến đấu tại chiến trường miền nam, may mắn có ba người con lành lặn, nhưng chứng kiến cảnh đồng đội của chồng bị nhiễm chất độc da cam, có những người có đến bốn đứa con dị tật, nằm một chỗ... bà rất đau lòng. Ròng rã 16 năm qua, từ khoản lương hưu ít ỏi, mỗi tháng bà lại trích ra 100.000 đồng để gây quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Số tiền 100.000 đồng/tháng tuy không lớn, nhưng đã lan tỏa đến với nhiều nhà hảo tâm, “Nhóm từ thiện của bà Trần Thị Hiền” giờ đã có hơn 100 các bà, các cô cùng tham gia đóng góp.

Người nhiều thì tiền triệu mỗi quý, người ít thì dăm chục, một trăm; cứ tầm gần cuối quý là bà Hiền lại đến từng nhà để nhận tiền đóng góp; tiền nhận đến đâu được ghi ghép cẩn thận rồi hỗ trợ ngay cho hơn 50 gia đình nạn nhân mà nhóm nhận đỡ đầu. Mỗi gia đình, tùy vào hoàn cảnh mà có thêm khoản trợ giúp trung bình từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/mỗi quý. Ngày lễ, Tết, ngày 10/8, bà Hiền và những người bạn đồng hành đều tổ chức đóng góp để mang những phần quà tới cho các gia đình nạn nhân khó khăn.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có ý nghĩa chính trị, kinh tế-xã hội, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nói riêng. Nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ, phục hồi chức năng cho nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái, hỗ trợ người dân một số vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin.

Trong những năm qua, sự hoạt động tích cực Hội Nạn nhân chất độc da cam từ Trung ương, đến 63 tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng chăm sóc, hỗ trợ đời sống của nạn nhân chất độc da cam trên cả nước. Tại một số địa phương, các Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có những cách làm sáng tạo để có thêm nguồn lực giúp đỡ nạn nhân.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh An cho biết: Ngay từ năm 2008, Hội phối hợp cùng Đảng ủy Than Quảng Ninh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất chương trình hỗ trợ suốt đời đối với 60 gia đình (129 nạn nhân chất độc da cam). Với sự vận động nguồn lực của các đơn vị trong ngành than, 13 năm qua, 60 gia đình này đã được hỗ trợ. Gia đình được hỗ trợ cao nhất gần 500 triệu đồng; được hỗ trợ xây nhà ở, hỗ trợ phương tiện, việc làm, người chăm sóc nạn nhân được tặng thẻ bảo hiểm y tế...

Cuộc sống của các gia đình này được cải thiện rõ nét, nhưng quan trọng hơn là tạo được niềm tin, nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Với cách làm hiệu quả từ mô hình “chọn đúng gia đình, đúng địa chỉ” để có những hỗ trợ cụ thể, phù hợp, Chủ tịch Nguyễn Minh An chia sẻ, nhiều cơ quan, đơn vị sẽ đồng hành cùng Hội trong thời gian tới như Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh nhận hỗ trợ 20 gia đình; một số cơ quan, đơn vị nhận làm đầu mối hỗ trợ một đến hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: Khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cùng với việc kiên trì công cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động vận động nguồn lực cả trong nước và quốc tế để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp và mang tính bền vững.