Hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bạn bè quốc tế. (Ảnh tư liệu do VAVA Việt Nam cung cấp)
Hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bạn bè quốc tế. (Ảnh tư liệu do VAVA Việt Nam cung cấp)

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin

NDO - Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn chưa thể quên 5 năm trong hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của loại hóa chất quái ác này.

Những nỗi đau chưa thể nguôi

Một chiều tháng 8, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đón chúng tôi tại căn phòng nhỏ giản dị nằm tại tầng 2 của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (VAVA). Trên bàn làm việc của ông vẫn ngổn ngang những tài liệu và hình ảnh về di chứng dioxin vẫn đang hiện hữu tại Việt Nam hàng chục năm thời hậu chiến.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 1

Trên bàn làm việc của ông vẫn ngổn ngang những tài liệu và hình ảnh về di chứng dioxin vẫn đang hiện hữu tại Việt Nam hàng chục năm thời hậu chiến.

Cách đây 61 năm, quân đội Mỹ đã bắt đầu rải chất độc da cam/dioxin - một trong những hóa chất độc hại nhất với con người trên các cánh rừng của Việt Nam. Theo thống kê của Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng, chỉ tính trong 10 năm từ 1961-1971, đã có khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ đã được sử dụng tại miền nam Việt Nam trong chiến dịch Ranch Hand để làm rụng lá các cánh rừng và phá hủy mùa màng. Trong số này, có hơn 71,8 triệu lít chất da cam, chất trắng, chất xanh, chất tím và chất hồng được pha chế có lẫn tạp chất dioxin.

Là người trực tiếp chứng kiến những “cơn mưa da cam” trên các khu rừng miền nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhớ lại: Năm 1967, ông chính thức vào chiến trường B. Khi đó, cánh lính ở dưới thấy quân đội Mỹ rải chất hóa học “ướt đầm người”. Chỉ vài ngày sau, cây rừng đều chết dần, rụng hết lá. Thế nhưng, vào thời điểm đó, họ không bao giờ biết tới những hậu quả dai dẳng và đau lòng mà thứ hóa chất ấy sẽ mang tới.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 2

Là người lính, hơn ai hết, Thượng tướng Rinh hiểu nỗi đau da cam vẫn còn đang hiện hữu tới tận lúc này...

Chất độc hóa học đã được phun rải trên 1/4 diện tích miền nam Việt Nam với trên 3 triệu ha rừng bị phá hủy, làm mất đi khoảng 112 triệu m3 gỗ. Có gần 26.000 thôn bản chịu ảnh hưởng. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần. Tổng cộng có tới 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ.

Đau xót hơn, trong “cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử loài người” [Cách dùng từ của Cố PGS,TS Trần Xuân Thu - nguyên Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam-PV], đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân.

Đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân.

Các nghiên cứu khoa học và thực tế đều chứng minh rằng chất da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và các trường hợp thai dị dạng, để lại di chứng cho thế hệ sau. Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh…

Thượng tướng Rinh đưa cho chúng tôi một tập kỷ yếu dày tới gần 500 trang tập hợp các nghiên cứu về tác động khủng khiếp của dioxin lên cơ thể con người. Theo kết quả điều tra cơ bản tình hình sức khỏe của nạn nhân chất độc da cam tại một số tỉnh miền nam Việt Nam, có đến 23,7% số người được khảo sát có 1-3 con bị khuyết tật; 5,7% có cháu khuyết tật. Tỷ lệ mắc ung thư là 14,9%, hầu hết ở nhóm các nạn nhân trên 50 tuổi. Qua điều tra cơ bản, có thể thấy, sức khỏe hầu hết các nạn nhân đều kém hơn so với dân số bình thường của Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có hơn 15.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và 2.000 nạn nhân thế hệ thứ tư.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 3

Những nỗi đau "da cam" vẫn hằn in lên nhiều thế hệ sinh ra sau cuộc chiến... (Ảnh: VAVA)

Bên cạnh việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, các chất độc hóa học do Mỹ rải xuống Việt Nam còn gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Cho đến nay, ước tính có khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm dioxin, gây nguy hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) và A So (Thừa Thiên Huế) được xác định là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề khi nồng độ ô nhiễm dioxin cao hơn giới hạn cho phép. Chỉ tính riêng nhóm này đã có diện tích hơn 735.000m2.

Điển hình nhất, sân bay Biên Hòa từng là căn cứ lớn nhất của chiến dịch Rich Hand. Đây cũng là nơi lưu trữ và sử dụng 170.000 thùng chất diệt cỏ, mỗi thùng chứa 208 lít; trong đó có 98.000 thùng chất độc da cam, 45.000 thùng chất trắng và 16.000 thùng chất xanh.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 4

Các nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm nhân đạo Phú Quý, Bắc Giang. (Ảnh tư liệu do VAVA Việt Nam cung cấp)

“Nạn nhân không chỉ là những người lính trực tiếp tham gia kháng chiến hay nhân dân trong vùng nhiễm độc mà còn là con cháu, những thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư của họ. Trong số này, có rất nhiều đồng đội, đồng chí của tôi. Tính đến nay, số người được hưởng chính sách là 350.000 người, nhưng số lượng thực tế còn lớn hơn rất nhiều”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh run run cho biết.

Hành trình đi tìm công lý mang màu da cam

Không chỉ tại Việt Nam, ngay cả các cựu chiến binh Mỹ tham chiến cũng phải đối mặt với “Hội chứng da cam” dai dẳng kéo dài. Cuối những năm 1970, các cựu binh Mỹ ở Việt Nam chính thức khởi kiện. Tới năm 1984, một cuộc dàn xếp được thực hiện khi các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Dow Chemical, Monsanto và một số công ty khác, chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng chất độc này.

Tuy nhiên, với hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng, hành trình này lại gian nan và trắc trở hơn nhiều.

"Cơ sở pháp lý của chúng ta là lên án các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Geneve năm 1925 về việc cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh và các luật, án lệ khác của Mỹ".

Ngừng lại một lát, Thượng tướng Rinh kể: Đầu năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin chính thức được thành lập. Chỉ sau đó chưa đầy một tháng, Hội quyết định ký đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ để tìm lại công lý cho các nạn nhân da cam với sự giúp đỡ của các luật sư cấp tiến cũng như Hội Luật gia dân chủ quốc tế và Hội Luật gia Việt Nam.

Cụ thể, ngày 31/1/2004, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã kiện 37 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất chất độc da cam lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ đã bị nêu tên trong vụ kiện cùng các công ty khác.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 5

Mặc dù đã 13 năm qua đi nhưng Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh không thể quên được hành trình 5 năm đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam cùng VAVA Việt Nam.

“Chúng ta nộp đơn kiện tại Tòa án sơ thẩm Brooklyn, New York. Cơ sở pháp lý của chúng ta là lên án các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Geneve năm 1925 về việc cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh và các luật, án lệ khác của Mỹ”, Thượng tướng Rinh kể.

Nguyên đơn lúc đầu chỉ có 3 người, nhưng sau đó phát triển lên đến hơn 30 người, đại diện cho 3 triệu nạn nhân. Đặc biệt, trong số này có cả một số con em của các nạn nhân.

Song song với đó, một đợt tuyên truyền, vận động giúp đỡ các nạn nhân về vật chất lẫn tinh thần cũng được VAVA phát động. 1,5 triệu người đã đồng ý ký để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 6

Dioxin Kills - những chiếc áo ủng hộ vụ kiện năm nào giờ được VAVA lưu giữ như biểu tượng cho hành trình 5 năm đi đòi công lý.

Ngày 10/3/2005, Thẩm phán Jack Weinstein thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa ngụy biện rằng chất độc da cam đã không được xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Mỹ dùng nó, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra độc tố đối với đời sống của con người và môi trường họ sống; và rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền.

Không chấp nhận lý lẽ này, ngày 7/4/2005, Đoàn Luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam nộp đơn yêu cầu Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York xét xử lại và phủ quyết phán quyết trước đây của chánh án Jack Weinstein. Tuy nhiên, ngày 22/2/2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã tiếp tục ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và giữ y án sơ thẩm.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 7

"Các nạn nhân Việt Nam tiến hành vụ kiện không chỉ vì cuộc sống của riêng mình mà còn vì quyền lợi của các nạn nhân ở nhiều nước khác, kể cả Mỹ" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: VAVA Việt Nam)

Dư luận quốc tế có nhiều ý kiến phê phán phán quyết này của Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Ngày 18/3/2008, Đoàn Luật sư Hoa Kỳ và Hội Luật gia dân chủ quốc tế gồm 10 người đã đến Việt Nam để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong vụ kiện sắp tới lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Ngày 6/10/2008, nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ nhưng đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn vào ngày 2/3/2009.

Trong hồi ký của mình, Cố PGS,TS Trần Xuân Thu (nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VAVA) viết: “Vụ kiện đã trải qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao. Chúng ta chưa thành công về mặt pháp lý nhưng sự kiện đã giành được thắng lợi đáng kể về mặt xã hội và nhân văn, thức tỉnh lương tri loài người”.

Ngày 18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Do đây là phiên tòa công dân nên kết luận chỉ là kiến nghị tham vấn, không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ảnh 8

"Chúng ta đã được một chặng đường dài, chúng ta cần tiếp tục bước...".

Bên cạnh đó, 3 phiên tòa kéo dài trong 5 năm ròng cũng góp phần để các nhà chức trách Mỹ thể hiện trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh mà họ đã gây ra tại Việt Nam.

Tháng 5/2007, Quốc hội Mỹ đã phân bổ khoản ngân sách 3 triệu USD nhằm khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam và môi trường tại một số điểm nóng nhất và năm 2009 tăng lên 6 triệu USD. Tính đến ngày 1/1/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi 173 triệu USD tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho hay, hiện nay, phía Mỹ đã và đang tiến hành triển khai các dự án tẩy độc tại các sân bay quân sự bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin; đồng thời cam kết giúp đỡ các nạn nhân khuyết tật tại 8 tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất như Quảng Trị, Tây Ninh, Đồng Nai…

Hành trình không dừng lại

Tiếp nối hành trình đi đòi công lý cho các nạn nhân da cam, tháng 5/2014, bà Trần Tố Nga - một người Việt mang quốc tịch Pháp tiếp tục gửi đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ thông qua một tòa án Pháp.


Bà Tố Nga là nguyên đơn duy nhất hiện nay hội đủ các điều kiện là công dân Pháp, có đủ bằng chứng y khoa là nạn nhân của chất dioxin để từ cơ sở đó cùng bạn bè trong và ngoài nước chuẩn bị hồ sơ vụ kiện suốt hơn 10 năm qua.

Mặc dù bị tòa án bác bỏ, thế nhưng bà Nga vẫn quyết tâm đi tới cùng của sự thật. Hành trình đòi công lý da cam vẫn sẽ không dừng lại…

back to top