Nỗi buồn đường xa khám bệnh

NDO - Tại Quảng Ngãi, tình trạng người dân đi khám bệnh ở các tỉnh, thành phố xa đã để lại rất nhiều hệ lụy. Cần có biện pháp để dòng người này quay trở lại quê nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân nhiều vùng quê, làng biển chọn lựa cơ sở y tế các tỉnh, thành phố khác để khám chữa bệnh.
Người dân nhiều vùng quê, làng biển chọn lựa cơ sở y tế các tỉnh, thành phố khác để khám chữa bệnh.

Tui sẽ đi bằng tàu lửa, đi ban ngày bằng ô-tô chứ không đi sớm hôm sợ rồi. Có chết tôi cũng không khám bệnh ở quê”.

Khó chọn lựa nên khám bệnh ở Đà Nẵng hay ở đây, nhưng chắc tui sẽ đi. Biết là nguy hiểm nhưng ở quê khám không yên tâm. Trời kêu ai nấy dạ thôi”.

Thoát chết trong gang tấc, nhưng những người phụ nữ này vẫn nhất quyết sẽ tiếp tục hành trình khám chữa bệnh ở nơi xa. Tình trạng người dân đi khám bệnh ở các tỉnh, thành phố xa đã để lại những hệ lụy khó lường.

Nỗi ám ảnh của quá khứ

Giữa tháng 2 vừa qua, chuyến xe sớm chở gần 20 người dân từ các vùng quê tỉnh Quảng Ngãi trên đường ra thành phố Đà Nẵng khám chữa bệnh gặp nạn tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khiến 10 người ra đi mãi mãi.

Sống sót trở về, nỗi khiếp đảm lẫn hoảng sợ vẫn trong đáy mắt chị Lê Thị Lệ, 50 tuổi ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.

Nỗi buồn đường xa khám bệnh ảnh 1

Chị Lê Thị Lệ cất giữ mảnh sắt gây thương tích nhắc nhở hành trình cứu sống chồng chị.

“Cứ đêm về hay lúc một mình thì hình ảnh người thì bị ghế đè, người sõng soài bên hông xe, người văng ra đường cứ hiện ra. Ám ảnh tôi miết, không biết khi nào hết”.

Từ cõi chết trở về, vết thương trên gương mặt chưa lành nhưng chị Lệ vẫn may mắn hơn hai mẹ con cùng xóm chị đã ra đi mãi sau vụ tai nạn. Ngày nào vợ chồng chị cũng sang nhà hương khói cho người đã khuất.

Đối diện với cái chết, nhưng khi hỏi đến việc sẽ đi khám bệnh ở đâu, chị Lệ vẫn nhất quyết tiếp tục theo những chuyến hành trình đến các tỉnh, thành phố khác khám sức khỏe, trừ nơi chị ở.

Mảnh sắt tứ giác to bằng ngón tay, chị gói trong túi nilon cất như kỷ vật.

15 năm trước, chồng chị bị tai nạn lao động. Mảnh vỡ từ lưỡi cưa sắt cùng dăm gỗ văng ghim sâu vào chân. Nhập viện cấp cứu, chồng chị được vệ sinh và băng bó vết thương. Những ngày sau đó chân không thể đi vững, ngày càng sưng to lan nhanh lên đùi.

Lo sợ bất thường, chị đưa chồng vào Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra vết mổ. Mảnh sắt được các bác sĩ lấy từ vết thương là nguyên nhân khiến vết thương chồng chị lan rộng.

“Các bác sĩ bảo nếu chậm vài ngày nữa thôi thì chồng tôi mất mạng vì vết thương sưng phù, lan rộng lên các cơ quan khác”, chị Lệ chưa quên.

Sau việc của chồng và vài lần khám chữa bệnh ở bệnh viện trong tỉnh, chị Lệ không còn niềm tin với cơ sở y tế.

Vết thương của chồng chị đã lành lặn từ lâu nhưng “vết thương niềm tin” bám mãi trong ký ức. Những năm qua, ngay cả khám bệnh, xét nghiệm thông thường, hay điều trị bệnh đơn giản, cả nhà chị lại lặn lội hàng trăm cây số ra thành phố Đà Nẵng.

Thoát chết sau vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường ra Đà Nẵng khám sỏi thận, chị Lệ vẫn sẽ tiếp tục hành trình đường xa mà không chọn các bệnh viện ở quê nhà.

“Ở đây không yên tâm, lỡ có chuyện, đi xa thì nguy hiểm xe cộ, nhưng nhà tôi sẽ chuyển sang đi tàu lửa, đi ô-tô ban ngày, chứ tôi không khám hay chữa bệnh gì ở đây. Sợ đủ thứ”, chị Lệ quả quyết.

Trong phút chốc, ông Nguyễn Luận ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa mất cả vợ và con trai 25 tuổi.

Gia đình ba người, nay chỉ một mình ông cô độc. Chuỗi ngày xế chiều ông chưa biết sẽ sống thế nào khi quạnh quẽ. Tai nạn cướp đi hai người thân đời ông cũng bởi niềm tin vụn vỡ từ điều trị bệnh ở quê nhà.

Đầu năm 2023, anh Hữu Trung bị chấn thương, đứt dây chằng sau trận đá banh ở xã. Ông Luận đưa con đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi điều trị.

Kết quả thăm khám vết thương là do giãn dây chằng, bác sĩ chỉ định thuốc uống điều trị. Mười ngày sau, vết thương không thuyên giảm, biểu hiện teo cơ ngày càng rõ.

Vợ chồng ông lo sợ đưa con trai ra thành phố Đà Nẵng kiểm tra. Kết luận của bác sĩ, anh Trung bị đứt dây chằng hoàn toàn và rách một phần sụn.

3 ngày sau, trên chuyến xe trở lại bệnh viện theo lịch mổ cũng là ngày ông Luận mất hai người thân yêu nhất. “Nếu để ở đây thì con tôi bị teo chân, đi nơi xa điều trị thì giờ mất hết. Tin ở đâu bây giờ, khi vợ con tôi ra nông nỗi như vậy. Đêm nào cũng mong gặp vợ con tôi trong giấc ngủ”, ông Luận chua chát.

Cần xây dựng lại niềm tin từ thôn, xóm

Hơn 15 năm qua, từng nhóm người, từng đoàn xe đưa bà con ở các vùng quê, ven biển và cả vùng cao tỉnh Quảng Ngãi đi khám, điều trị bệnh ở các cơ sở y tế thành phố, tỉnh miền trung, nhiều nhất là các tuyến bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng, Huế, Bình Định…

Đội xe dịch vụ từ 16 đến 50 chỗ ngồi chạy xuyên suốt các ngày để phục vụ nhu cầu các thôn, xã.

Từ một vài người truyền tin nhau, làng xóm giới thiệu hay người đi trước chỉ vẽ người đi sau hình thành phong trào “khám bệnh nơi xa an toàn hơn” ở từng ngõ, từng thôn, huyện lỵ.

Nỗi buồn đường xa khám bệnh ảnh 2

Bà Đặng Thị Hiệp thoát chết sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhiều năm qua, gia đình, họ hàng bà và người trong thôn Thanh Khiết đều chọn bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng là nơi tìm kiếm sức khỏe.

Trở về từ bệnh viện, vết bầm cùng thân thể còn đau đớn, bà Đặng Thị Hiệp, 69 tuổi ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi không tin mình còn sống, nhưng người em chồng vĩnh viễn ra đi.

Hơn 6 năm qua, cả gia đình bà và anh em, họ hàng, người trong thôn Thanh Khiết đều chọn bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng là nơi tìm kiếm sức khỏe.

Mỗi năm, gia đình, anh em hàng trăm người trong họ bà có chuyến đi xa vài lần. Biết rủi ro, nguy hiểm chờ chực đêm hôm, đường xa, nhưng với bà Hiệp đó vẫn là lựa chọn tốt nhất.

“Mỗi chuyến đi chi phí từ 1,5 đến 2 triệu chứ ít đâu. Nếu ở đây khám chữa không bớt, sắp tới người nhà cũng sẽ chở cô đi ra Đà Nẵng thôi, chưa biết đi bằng phương tiện gì nữa”, bà Hiệp tỏ bày.

Tại xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi có 6 thôn với 20 nghìn dân. Toàn xã có 10 xe ô-tô dịch vụ phục vụ các nhu cầu hằng ngày. Trong đó, mỗi ngày vài chuyến xe đưa đón bà con vùng biển đi khám bệnh ở các tỉnh, thành phố ở miền trung.

Chi phí từ 1,5 đến 4 triệu đồng cho việc khám bệnh, điều trị thông thường mà các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến tỉnh tại chỗ có thể đảm đương.

Sau vụ tai nạn kinh hoàng, người dân vùng biển thay đổi lịch trình khám bệnh sang ban ngày, chọn lựa phương tiện khác an toàn hơn, với chi phí tăng nhiều so với trước.

“Tâm lý, thói quen đi khám các bệnh viện ngoài tỉnh an tâm hơn. Để thay đổi nếp nghĩ này, cần xây dựng niềm tin trong dân, từ việc tăng cường tuyên truyền đến củng cố mạnh mẽ hệ thống y tế đa dạng, mở rộng lựa chọn hơn”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An tâm tư.

Thói quen, nếp nghĩ ăn sâu trong tư duy khiến những đoàn xe đưa người đi không dứt.

Lo sợ tai nạn, hiểm nguy trên chuyến mờ sớm, nay nhiều người dân Quảng Ngãi đã chọn hành trình khám chữa bệnh trên chuyến xe ô-tô, tàu lửa ban ngày với hy vọng an toàn hơn.

Nhưng nguy hiểm khó có thể dừng khi tình trạng “tìm niềm tin y tế” nơi xa không có hồi kết. Tang thương, mồ côi, tái nghèo… cùng nhiều hệ lụy chính gia đình, địa phương gồng gánh.

Ở xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi có 11 thôn cùng khoảng 13 nghìn dân sinh sống tại địa phương. Trong số này có đến 30% dân chọn lựa các bệnh viện, cơ sở y tế ở nơi xa.

“Cần thêm nhiều bệnh viện công, phòng khám tư đa dạng, chuyên sâu để bà con lựa chọn, đáp ứng tốt hơn. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, chia sẻ với bà con để hiểu hơn, giảm bớt rủi ro xã hội hơn”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Ngọc Xôn trăn trở.

Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi cải thiện, thay đổi quyết liệt để phục vụ nhân dân.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 3.870 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh có 2.1260 giường, tuyến huyện hơn 1.600 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh là hơn 30 giường/10 nghìn dân, tỷ lệ bác sĩ 7,75 người/10 nghìn dân.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh đưa ra nhiều biện pháp hướng đến phục vụ, tận tâm với người bệnh hơn. Nhưng cần có thời gian, cần dày niềm tin để dòng người quay ngược trở về.

“Ra các tỉnh, thành phố khác khám họ làm nhanh hơn, lại ưu tiên cho người ở xa nữa. Có thể tài xế quen hay bệnh viện thông cảm gì đó mình không biết, nhưng ra đó làm nhanh, chính xác. Có y tá đưa đi các khoa, phòng khám tận tình nên chúng tôi đi là vậy”, ông Nguyễn Đăng Nam, 63 tuổi ở xã Nghĩa Hà khẳng định.

Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, đơn vị đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực; triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như phẫu thuật, lâm sàng, khám chữa bệnh theo yêu cầu đã cứu bệnh nhân, can thiệp kịp thời các ca tai biến, bệnh tim. Đi đôi với kỹ thuật, bệnh viện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để người dân hài lòng hơn.

“Mấy năm gần đây đơn vị đã nỗ lực thay đổi rất nhiều. Bệnh viện liên kết với các bác sĩ giỏi bệnh viện tuyến trên như Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Trung ương Huế mời các chuyên gia giỏi, triển khai các kỹ thuật cao.

Chúng tôi liên kết mở rộng, đa dạng các phương pháp, dịch vụ điều trị để bệnh nhân chọn lựa yêu cầu khám chữa trị trực tiếp, chọn lựa bác sĩ, phòng điều trị theo yêu cầu để phục vụ nhân dân”, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thuận khẳng định.