Cái khó do tình trạng chậm thanh toán vốn XDCB đã làm cho hiệu quả sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), chủ yếu là DN thi công vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, và dĩ nhiên dắt dây theo là một số ngân hàng và DN cung ứng nguyên liệu, vật liệu xây dựng.
Khó khăn tập trung trước hết vào các "chủ nợ" là DN xây dựng giao thông trung ương cũng như địa phương, vì 35,36% số nợ của các địa phương nằm ở các dự án xây dựng cầu, đường. Trong đó, các DN chủ lực tinh nhuệ thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiếm tỷ trọng bị nợ cao nhất, cụ thể là 1.704,8 tỷ đồng, rải khắp 64 tỉnh, thành phố.
Theo tính toán bước đầu của các chuyên gia kinh tế, các DN này đang bị lỗ tổng cộng 1.000 tỷ đồng, riêng hậu quả nợ đọng đã "đóng góp" vào một phần ba số lỗ nói trên. Ðiều đáng lưu tâm hơn là DN (chủ nợ) làm ra đồng nào bị ngân hàng xiết nợ đến đó. Trong tình thế này, DN vừa nợ lương công nhân và vừa thiếu tiền để mua vật tư, nguyên liệu thi công.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến thừa nhận: Nợ đọng cũ đang là một trong những cản trở lớn nhất tiến độ thi công nhiều công trình, dự án hiện nay. Ðể hạn chế một phần cản trở này, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho các nhà thầu thi công dự án thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (và đặc cách hai dự án thuộc nguồn vốn ngân sách là đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận) được mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước để tiền thanh toán cho nhà thầu trở lại phục vụ trực tiếp lực lượng thi công tại chỗ (không bị ngân hàng xiết nợ).
Tuy nhiên, nhiều dự án khác sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách vẫn gặp khó khăn vì nhà thầu phải thi công trong trạng thái "âm" về tài chính, chậm lương công nhân và phổ biến là bị ngân hàng xiết nợ vì nợ quá mức, quá hạn...
Trong bối cảnh này, việc thanh toán dứt điểm nợ đọng vốn XDCB có giá trị như những liều thuốc hồi sinh và không ít trường hợp còn cứu cho DN thoát khỏi cơn "tai biến" do mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Theo lãnh đạo các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 8 và Thăng Long, nhiều địa phương đang có nỗ lực cao theo hướng này. Tuy vậy, khó khăn trong việc thu hồi nợ của DN vẫn còn, thuộc hai dạng:
Một là: Những dự án ngoài kế hoạch hoặc những hợp đồng lỏng lẻo mà trong đó phương thức và điều kiện thanh toán thường ghi "Theo kế hoạch và tiến độ cấp vốn của tài chính. Nếu chưa đủ thì thanh toán tiếp vào kế hoạch vốn các năm sau, không tính lãi suất". Như bản hợp đồng giữa Ban quản lý dự án giao thông Thanh Hóa và Công ty Xây dựng giao thông 892 về xây dựng đường Hồi Xuân - Tén Tần, phía tây tỉnh Thanh Hóa (đưa vào sử dụng cuối năm 2002 đầu năm 2003, tổng mức đầu tư gần 21,5 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu hơn 9 tỷ đồng, còn nợ gần 11,4 tỷ đồng).
Hai là: "Con nợ" là những địa phương vừa nghèo, vừa nợ nhiều như một số tỉnh miền núi phía bắc và miền trung thì chưa biết đến bao giờ trả hết nợ. Do đó, hàng trăm tỷ đồng không có khả năng thanh toán dứt điểm trong hai năm hoặc trở thành nợ khó đòi.
Ðáng lưu ý là mặc dù tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XI cuối năm 2004 đã ra Nghị quyết số 36/2004/QH11 về việc xử lý nợ đọng XDCB sử dụng vốn Nhà nước trong hai năm 2005-2006, nhưng cho đến nay, tình trạng nợ đọng XDCB vẫn đang tiếp tục phát sinh chứ chưa dừng lại.
Phó trưởng phòng Kế hoạch - Thống kê của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) Dương Huy Minh cho biết: Công trình cầu Ông Lãnh và đường Khánh Hội mở rộng đã thông xe, đưa vào khai thác ngày 30-4-2003, nếu thực hiện đúng hợp đồng theo phương thức BT, tức là Cienco1 bỏ vốn xây dựng, hoàn thành bàn giao công trình cho Ban quản lý dự án giao thông đô thị (TP Hồ Chí Minh), thì đến 30-4-2005, chủ đầu tư phải thanh toán toàn bộ vốn và lãi hơn 73,5 tỷ đồng cho nhà thầu. Trong thực tế, cho đến nay, chủ đầu tư mới trả hơn một phần ba. Với công trình này, Cienco1 buộc phải bổ sung thêm vào khoản nợ đọng lớn một con số không nhỏ là hơn 46,7 tỷ đồng. Ðành rằng, nợ kéo dài vẫn được tính lãi suất, song vào thời điểm khó khăn này, "một giọt nước có thể làm tràn ly", phá vỡ cân đối tài chính của doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, cũng là hợp đồng BT, nhưng công trình xây dựng đường vành đai ba của Hà Nội rơi vào tình trạng chậm thanh toán theo kiểu khác. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) Dương Văn Toàn, cho biết: Chúng tôi đã bám tiến độ công trình này từ khi khởi công tháng 12-2001và theo hợp đồng, đến cuối năm 2003, nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ dự án và chủ đầu tư bắt đầu thanh toán vốn gốc và lãi chia thành 14 đợt, kéo dài trong bảy năm.
Trên hiện trường, vào thời điểm đó, chỉ có đoạn Cầu Giấy - Trung Hòa (4,3 km) được đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ SEA Games 22. Hầu hết phần còn lại (gần 6 km) hoạt động thi công ngừng trệ, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Cho nên, đợt thanh toán đầu tiên dự tính vào cuối năm 2003, vậy mà đến nay vẫn chưa diễn ra. Lý do là toàn bộ dự án chưa hoàn thành, nhưng lỗi đâu phải do nhà thầu! Vậy là, hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu, mà hậu quả là Cienco 8 - một thành viên trong liên doanh xây dựng đường vành đai ba phải gánh là: Ðầu tư gần 60 tỷ đồng (cho phần đường đã đưa vào sử dụng) và lãi vay ngân hàng, chưa thu về được đồng nào.
Tương tự các dự án BT khác của Cienco8, như đường hành lang Lê Duẩn (Hà Nội), cầu Kiến An (Hải Phòng), cầu Kênh Tẻ (TP Hồ Chí Minh)... hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2004, đến nay cũng chưa được thanh, quyết toán.
Ðể thu hồi nợ, nhiều DN đã thành lập Ban thu hồi công nợ từ tổng công ty đến cấp công ty, do các đồng chí lãnh đạo tổng công ty và giám đốc công ty trực tiếp làm trưởng ban, thường xuyên cử cán bộ về các địa phương nghe ngóng tình hình, hễ có dấu hiệu "tiền về" là tìm mọi biện pháp "tiếp cận" để thu nợ. Trong tổng số gần 1.000 tỷ đồng nợ đọng từ các dự án, Cienco1 đã thu hồi được 300 tỷ đồng. Cienco8 cũng thu được 183 tỷ đồng, nhưng lại tiếp tục phát sinh nợ đọng mới, cho nên hiện vẫn còn hơn 434 tỷ đồng phải tiếp tục thu hồi.
Vấn đề đặt ra hiện nay là sớm có giải pháp quan tâm đời sống người lao động trong ngành xây dựng, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp:
Một là, cần có sự chia sẻ trách nhiệm từ phía cộng đồng. Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng đã được phân tích và xác định từ cuối năm 2004, song gần đây, trong nỗi bức xúc đã có những quy kết vội vàng.
Một số DN địa phương quên quá nhanh sự "tiếp tay tích cực, tự nguyện" của mình, quay sang đổ lỗi và oán trách chủ đầu tư nôn nóng, tùy tiện mở rộng đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách, lôi cuốn họ vào cơn lốc nợ đọng.
Ở một bình diện khác, quy định của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về khoản nợ của các dự án, công trình ngoài kế hoạch được giao "thì cấp, ngành nào của địa phương quyết định việc đầu tư phải chủ động cân đối ngân sách của mình để thanh toán" không có gì sai về kỷ cương hành chính, nhưng chưa phản ánh đầy đủ trách nhiệm và phần nào thoát ly thực tế.
Tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách đã diễn ra từ lâu và trên phạm vi rộng, không ít nơi đến mức trầm trọng, ai cũng biết, nhưng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời. Cho nên, trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương, nhưng quản lý vĩ mô cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Hơn nữa, có một thực tế khách quan là tỉnh càng nghèo càng vượt vốn nhiều, lấy đâu ra nguồn để trang trải món nợ này trong vòng hai năm. Trong bối cảnh phức tạp như thế, rất cần sự chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước vĩ mô, của địa phương và của DN, để từng bước xử lý dứt điểm nợ đọng, hạn chế hậu quả và tránh để kéo dài, càng để lâu càng khó khăn hơn.
Hai là, cần xác định công tác xử lý nợ đọng là một nội dung trọng tâm của năm Nâng cao hiệu quả đầu tư, lập lại kỷ cương XDCB, mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Sớm thống kê, phân loại chính xác nợ đọng, trên cơ sở đó, có kế hoạch phân kỳ thanh toán nợ đọng công khai, công bằng và tổ chức thực hiện thật nghiêm túc, triệt để khắc phục tình trạng " chạy" trong thanh toán nợ đọng.
Trong thực tế, vẫn còn một số người chưa từ bỏ thói quen từng "chạy" dự án trước đây (một nguyên nhân dẫn đến đầu tư phân tán, nợ đọng) để gỡ bí về vốn trả nợ hoặc để được thanh toán nợ sớm. Cơ chế xin-cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tham nhũng và phá vỡ kỷ cương đầu tư XDCB, cần có biện pháp thật mạnh mẽ và công minh, quyết không để tàn dư của nó "sống" trở lại trong môi trường xử lý nợ đọng vốn XDCB hiện nay.
Ba là, hạn chế thiệt hại đối với những công trình dở dang vì hậu quả của nợ đọng. Ðối với công trình thật sự "ích nước, lợi dân", mức vốn hoàn thiện không lớn, nên tập trung đầu tư dứt điểm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả ngay. Ðối với công trình có khả năng khai thác từng phần thì không cầu toàn, nên hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép. Ðối với những công trình dở dang khác, không để mặc, hoặc coi như bỏ mà cần gom, khoanh, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá của thời tiết, khí hậu. Theo chúng tôi, giải pháp xử lý công trình dở dang phải trở thành một thước đo không kém phần quan trọng khi đánh giá việc thực hiện mục tiêu chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB hiện nay.