Nỗ lực xóa nhà tạm ở Sơn Dương

Huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đang từng bước thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát và hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, phấn đấu hết năm 2025 không còn gia đình nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát.
0:00 / 0:00
0:00
Khánh thành nhà đại đoàn kết tại xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Khánh thành nhà đại đoàn kết tại xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã xác định: Xây dựng các giải pháp cụ thể và phù hợp thực tiễn; mỗi hộ gia đình, mỗi hoàn cảnh đều được xem xét kỹ lưỡng để đưa ra những phương án hỗ trợ thiết thực nhất; kiên trì bám sát mục tiêu. Các giải pháp đã đề ra cần được theo dõi và thực hiện đến cùng, không để dở dang hoặc thiếu hiệu quả... Các nhiệm vụ được phân công cụ thể đến từng cá nhân và nhóm làm việc, bảo đảm mỗi phần việc đều được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.

Một trong những cách làm tại Sơn Dương là sự huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung tay của cộng đồng. Chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi, vận động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hảo tâm.

Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo. Đồng thời, các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ để rà soát, phân loại đối tượng, bảo đảm sự hỗ trợ được phân bổ công bằng và đúng đối tượng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện căn cứ Đề án 308 và kế hoạch thực hiện hằng năm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động chủ trì, phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương hằng năm.

Chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với chính quyền thực hiện việc bình xét, lập danh sách hộ nghèo có nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ về nhà ở từng năm, theo danh sách đã được rà soát tại thời điểm tháng 6/2021, cơ bản bảo đảm thực hiện Đề án theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Đối với những hộ nghèo không nằm trong danh sách đã rà soát của Đề án nhưng do thiên tai, hỏa hoạn, nhà ở của hộ nghèo bị đổ, sập hoặc không đảm bảo an toàn, cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở và do yêu cầu từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện đã kịp thời báo cáo cấp ủy, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp rà soát, báo cáo, trình Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị bổ sung vào Đề án và xem xét hỗ trợ. Qua rà soát xác định, tổng số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện cần hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 2.750 hộ.

Qua quá trình thực hiện, huyện Sơn Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả thực hiện trong 3 năm (2022-2024): đã hỗ trợ được 2.315 nhà, tổng số tiền hỗ trợ làm mới, sửa chữa là 123 tỷ 317 triệu đồng. Trong đó:

Nguồn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 342 nhà, số tiền 17.050 triệu đồng; nguồn Bộ Công an 774 nhà, số tiền 47.199 triệu đồng; nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp là 99 nhà, số tiền 3.178 triệu đồng; nguồn từ huy động của các tổ chức chính trị-xã hội các cấp là 48 nhà, số tiền 3.160 triệu đồng; nguồn từ huy động hợp pháp khác của tỉnh, huyện, xã (Ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) là 1.034 nhà, số tiền 51.610 triệu đồng; hỗ trợ từ nguồn cứu trợ các cấp là 15 hộ, số tiền 1.120 triệu đồng. Trong đó, số hộ nghèo của các xã xây dựng nông thôn mới là 1.129 hộ; hộ có thành viên là người có công với cách mạng là 15 hộ; hộ dân tộc thiểu số 1.568 hộ; hộ bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình là 5 hộ.

Riêng năm 2024, số hộ nghèo đã được hỗ trợ là 1.072 hộ (Làm mới 1.051 hộ, sửa chữa 21 hộ). Việc triển khai hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 3 từ nguồn cứu trợ được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Ban vận động Cứu trợ huyện kịp thời triển khai thực hiện. Trong đó hỗ trợ từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh chuyển về hỗ trợ cho 14 hộ làm mới, sửa chữa nhà ở. Trong đó 13 hộ làm mới, 1 hộ sửa chữa, với số tiền 1 tỷ 180 triệu đồng

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ xây nhà, huyện Sơn Dương còn triển khai nhiều biện pháp giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi được khuyến khích, kết hợp với các chính sách vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện để người dân vươn lên.

Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, huyện cũng đẩy mạnh kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Những đóng góp này không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong cộng đồng.

Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, chia sẻ: “Phải giao trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ mang lại hiệu quả tích cực”.

Năm 2025 này, trên địa bàn huyện còn 435 số hộ gia đình có nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ. Trong đó đã phân bổ nguồn 94 nhà (dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán), trong đó số nhà đã làm xong là 75 nhà, số nhà còn phải làm 266 nhà (trong đó: Làm mới 183, sửa chữa 83 nhà).

Huyện Sơn Dương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong triển khai thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.