Nỗ lực tìm kiếm người mất tích do sạt lở ở mỏ vàng Pác Lạng

NDO -

Sau hơn 2 ngày đào bới nhưng chưa có hiệu quả, từ ngày 16/6, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thịnh phối hợp Trung tâm cấp cứu mỏ-Vinacomin (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) triển khai các giải pháp mới để tìm người mất tích do sạt lở từ ngày 13/6.

Các chuyên gia cứu hộ khảo sát vị trí sạt trượt trong hầm lò.
Các chuyên gia cứu hộ khảo sát vị trí sạt trượt trong hầm lò.

Trước đó, như Báo Nhân Dân đã đưa tin, vào rạng sáng 13/6, tại hai hầm lò khai thác trong mỏ vàng Pác Lạng, huyện Ngân Sơn đã xảy ra sự cố, sạt lở, sập, sụt. Hậu quả đã làm 1 người chết và 1 người mất tích.

Theo Công  ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thịnh, đơn vị đang khai thác mỏ tại đây, công nhân bị mất tích là anh L.M.T, sinh năm 1975, trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Điểm hầm bị trượt lở, sụt thuộc khu vực thân quặng số 5, lò số 32 với khối lượng đất, đá trượt lở rất lớn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày qua làm đất ngấm nước, mềm yếu.

Nỗ lực tìm kiếm người mất tích do sạt lở ở mỏ vàng Pác Lạng -0
Các chuyên gia nghiên cứu tìm giải pháp cứu hộ. 

Trong đêm 15/6, lực lượng cứu hộ thuộc Trung tâm cấp cứu mỏ-Vinacomin đã có mặt khảo sát hiện trường. Các chuyên gia đã khẩn trương thảo luận, nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp sớm tìm thấy nạn nhân. Từ sáng 16/6, các chuyên gia cứu hộ hầm lò cùng lực lượng của tỉnh, huyện và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thịnh bắt đầu triển khai cứu hộ.

Được biết, mỏ vàng Pác Lạng, còn gọi là Ma Nu, là mỏ vàng gốc có diện tích hơn 99ha, chia làm 9 khu vực khai thác với 19 hầm lò. Địa điểm này vài chục năm trước luôn là điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép với hàng nghìn hầm, lò đào tự phát ở nhiều đồi, núi. Từ năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đã cấp giấy phép khai thác cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thịnh.