Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhạy bén, kịp thời trong chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhờ đó cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tạo ra nhiều công ăn, việc làm; thị trường lao động phục hồi tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thấp hơn nhiều so năm 2021; cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt cao; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả tốt sau thời gian trở lại học trực tiếp...
Quang cảnh Hội nghị. |
Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chính sách ưu đãi người có công, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo...; đời sống người có công với cách mạng, người nghèo không ngừng được nâng lên, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác được chăm lo chu đáo. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đem lại hiệu quả rất lớn, thiết thực cho người dân. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Ước thực hiện năm 2022 hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, chính phủ giao, gồm: có 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 đạt mục tiêu đề ra: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Có 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: đưa hơn 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Về thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội: thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid-19, trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho hơn 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ hơn 45 nghìn tỷ đồng, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 41 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III năm 2022. Các hoạt động kết nối cung-cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động được tăng cường, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Tăng cường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tổ chức các sàn lao động, các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra ở một số ngành, địa phương. Lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so năm trước. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so năm 2021…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành lao động-thương binh và xã hội có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, nguồn lực, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì có hạn. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt.
Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rất lớn, nặng nề, tổng thể; hoan nghênh những công việc đã làm được; nêu rõ, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý của Nhà nước; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: trong đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, các cân đối lớn, lao động và việc làm.
Trong các nhiệm vụ này thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải phụ trách vấn đề về lao động, việc làm và phải thực hiện tốt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành lao động-thương binh và xã hội đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Tinh thần chung là, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, đây là năm hết sức khó khăn khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước lạm phát cao, đời sống khó khăn, thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, dẫn đến thị trường lao động bị tác động...
Do đó chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, đổi mới khoa học công nghệ để chiếm lĩnh các thị trường khác. Nếu chúng ta lường trước thì sẽ có cách xử lý nếu bình tĩnh, kiên định, phải bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả. Thực tế cuối năm 2022, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế vĩ mô, đồng thời lại phải xử lý các tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… nhưng đã vượt qua.
Nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày càng nặng nề, do đó Thủ tướng yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung: tinh thần chung là, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. |
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị.
Thủ tướng nêu bật, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; phản ứng chính sách nhanh hơn nữa; nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; coi trọng công tác nghiên cứu.
Thủ tướng yêu cầu:
Bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; phản ứng chính sách nhanh hơn nữa; nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; coi trọng công tác nghiên cứu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Phát triển thị trường lao động cạnh tranh, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung-cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là đào tạo kỹ năng nghề. Do đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương tập trung vào đào tạo nghề mà xu thế đang nổi như chuyển đổi xanh, công nghệ cao.
Tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số; có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; góp phần phát triển nhà ở xã hội, nhất là hình thức thuê mua nhà ở cho người lao động trẻ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Xây dựng nghiên cứu vấn đề này.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; quan tâm, tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành giải quyết tốt vấn đề này để bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giảm phiền hà cho người dân; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chúng ta phải nỗ lực vì dân, vì nước, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, chủ thể.
Phải thực hiện tinh giản bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ, trong đó chú ý mô hình Tổng cục Dạy nghề; chú trọng dạy nghề phải đi đôi với dạy văn hoá; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa các quy định liên quan vấn đề này.