Nỗ lực thi công đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu.
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu.

Hiện, nguồn cung ứng cát đã được bảo đảm, việc thi công dự án đường cao tốc này đang được đẩy nhanh tiến độ.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn 1, thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư sơ bộ 3.640 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, đã được khởi công ngày 25/6/2023.

Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã được khởi công, dài khoảng 11,45 km (trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 3,8 km), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản. Giai đoạn 1, dự án có quy mô bốn làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác dự kiến 80 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô bốn làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ…

Đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu được xây dựng với kỳ vọng chấm dứt tình trạng di chuyển khó khăn trên Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh-An Hữu đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Đoạn quốc lộ này dài khoảng 27 km, mặt đường nhỏ hẹp chỉ có hai làn xe. Hằng ngày, lưu lượng xe qua lại rất lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Ngoài ra, các phương tiện vận tải nặng cũng thường xuyên di chuyển qua đây làm gia tăng áp lực lên tuyến đường.

Nhằm sớm giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, nhất là về nguồn cát san lấp, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ. Hiện, tất cả bốn mỏ cát do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giới thiệu cho nhà thầu đã được đưa vào khai thác để cung ứng xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn một (dự án thành phần 1).

Theo đó, đối với bốn mỏ cát đã giới thiệu cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C để thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù, lũy kế khai thác đến ngày 3/11/2024 là 869.676 m3 tại các mỏ cát thuộc các đoạn trên sông Tiền ở xã Long Khánh A, xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự); xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); xã An Hiệp, xã An Nhơn (huyện Châu Thành); Phường 11 và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh).

Tổng khối lượng cát đã cung ứng cho dự án đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu đến ngày 3/11 đạt hơn 1 triệu m3 (trong đó đã bao gồm hơn 171.000 m3 cát được tạm điều chuyển để cung ứng cho đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu); đạt 45,25% (tổng nhu cầu là 2,3 triệu m3). Với bốn mỏ cát đang tiến hành khai thác, dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 được cấp khoảng 11.700 m3/ngày. Có cát về công trường, nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị và nhân lực thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C cho biết, bình thường công nhân làm việc từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều, nhưng hiện nay phải tăng ca làm việc đến 22 giờ đêm, đẩy nhanh việc ủi cát, lu nền để hoàn thiện nền cát, từ đó mới có thể thực hiện những công việc tiếp theo. Với lượng cát được cung cấp mỗi ngày như hiện nay, nhà thầu phải tổ chức tăng ca làm việc liên tục đến cuối năm 2024 để có thể xử lý hết khối lượng, hoàn thành việc gia tải nền đường.

Anh Trần Đức Mạnh, quê tỉnh Khánh Hòa, công nhân lái máy lu thi công đường cho biết: “Mỗi máy lu có hai người điều khiển, luân phiên làm việc hai ca/ngày. Dù được trang bị thiết bị chiếu sáng nhưng lái máy buổi tối, tầm nhìn hạn chế cho nên tôi phải tập trung cao độ, làm việc cẩn thận để bảo đảm an toàn, kịp tiến độ dự án”. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, dự án thành phần 1 có một gói thầu xây lắp. Nhà thầu đã huy động hơn 450 kỹ sư và công nhân, hơn 180 đầu thiết bị để tổ chức thi công với 44 mũi.

Thời điểm hiện tại, về đường công vụ, đã đào đất hơn 19,5 km, đắp cát hơn 18,4 km. Tuyến chính đã đào đất được 14,6 km/14,6 km, đắp cát hơn 12,5 km/14,6 km. Đối với phần dầm sàn liên tục, hoàn thành 68/68 móng cọc bê-tông cốt thép dự ứng lực và hoàn thành 65/68 trụ. Nhà thầu tổ chức thi công tại 19/19 cầu, đã lắp dầm 40/77 nhịp,…

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp Hồ Vĩnh Quang cho biết, tổng giá trị thực hiện các hạng mục của dự án đạt 1.119/2.547 tỷ đồng (giá trị hợp đồng chưa tính chi phí dự phòng), đạt 43,9% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ so với kế hoạch.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, vốn bố trí cho dự án năm 2024 đã giải ngân 882/882 tỷ đồng, đạt 100%. Đến nay, giá trị khối lượng xây lắp đã hoàn thành ngoài hiện trường khoảng 100 tỷ đồng; dự kiến giá trị khối lượng xây lắp thực hiện đến hết năm 2024 khoảng 180 tỷ đồng. Do đó, nhu cầu vốn trong năm 2024 cần bổ sung khoảng 280 tỷ đồng.

Để bảo đảm nguồn vốn cho dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung 350 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn 1, dự án thành phần 1, nâng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của dự án thành phần 1 từ 2.155,800 tỷ đồng lên thành 2.505,800 tỷ đồng…