Nỗ lực tháo gỡ “đầu ra” cho dứa tươi ở Bản Lầu

NDO -

Hàng nghìn tấn dứa quả tươi vào kỳ thu hoạch chín đỏ trên nương đồi, trong khi các nhà máy chế biến dứa hộp xuất khẩu hoạt động cầm chừng, thu mua nguyên liệu nhỏ giọt, khiến nông dân và thương lái ở “thủ phủ” dứa Bản Lầu (Lào Cai) thiệt hại lớn. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung các biện pháp tháo gỡ "đầu ra" cho dứa quả tươi, hạn chế thiệt hại cho người dân và thương lái ở đây.

Người dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch dứa trên nương đồi.
Người dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch dứa trên nương đồi.

Xã Bản Lầu được coi là thủ phủ dứa của huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai, với gần 1.200 ha, sản lượng trung bình hằng năm từ 22 đến 25 nghìn tấn quả, đem về cho đồng bào bào dân tộc H’Mông, Dao ở vùng đất biên giới này hàng chục tỷ đồng, được coi là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo hiệu quả của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, các xã Lùng Vai, Bản Sen cũng phát triển mạnh trồng dứa, kể từ khi Nhà máy chế biến dứa hộp của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu được xây dựng và đi vào hoạt động, có năng lực thu mua dứa nguyên liệu và chế biến 4.600 tấn dứa hộp và 1.600 tấn nước dứa cô đặc, để xuất khẩu sang thị trường Nga và Ukraine. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, Nhà máy chế biến dứa hộp Mường Khương gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng sang Nga và Ukraine, thu mua nhỏ giọt, dẫn đến nguy cơ tồn đọng, hư hỏng hàng nghìn tấn dứa tại đây.

Dứa ùn đọng trên đồi nương, nông dân và thương lái thiệt hại nặng nề

Nỗ lực tiêu thụ dứa tươi ở Bản Lầu (Lào Cai) -0
Thương lái thu mua dứa quả tươi của người dân Bản Lầu để bán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình. 

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện Mường Khương hiện có 1.368 ha dứa, với sản lượng khoảng 35.000 tấn quả tươi. Vào thời điểm năm 2021, Nhà máy chế biến dứa hộp Mường Khương và các thương lái thu mua dứa ngay tại nhà máy và ở chân đồi dứa, với giá từ 5 đến 6 nghìn đồng/kg. Dứa chín đến đâu nhà máy và thương lái thu mua ngay đến đó. Được mùa lại được giá, nên hàng chục nghìn hộ nông dân ở các xã Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai của huyện Mường Khương và xã Bản Phiệt của huyện Bảo Thắng có lãi, phấn khởi đầu tư mạnh vào sản xuất niên vụ 2022.

Tuy nhiên, từ đầu vụ thu hoạch dứa chính vụ đến nay, Nhà máy chế biến dứa hộp Mường Khương sản xuất cầm chừng, ngừng thu mua hoặc thu mua nhỏ giọt, mỗi ngày chừng 10-15 tấn quả, với giá từ 2-2,2 nghìn đồng/kg, khiến hàng nghìn tấn dứa bị tồn đọng, có nguy cơ thối hỏng, người trồng dứa thiệt hại nặng nề.

Cùng với đó, thương lái thu mua dứa để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dứa ở Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình cũng cho biết, do các nhà máy này đang gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu dứa hộp sang Nga và các nước Đông Âu, nên tạm dừng hoặc giảm công suất hoạt động, dẫn đến các thương lái này cũng chỉ tiêu thụ dứa cho địa phương nhỏ giọt, mỗi ngày chừng 20-30 tấn. 

Chị Nông Thị Tiến, ở thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu cho biết, năm 2021, gia đình trồng 1 ha, với  khoảng 40.000 gốc dứa, bán được hết với giá trung bình 4-5 nghìn đồng/kg, trừ chi phí phân bón và thuê nhân công thu hoạch, còn được lãi gần 100 triệu đồng. Năm nay, cũng với diện tích đó, đến giờ dứa chín đỏ trên nương, trong khi đầu ra rất khó khăn, gia đình chị mới bán được chừng 1/3 sản lượng, với giá 2.000 đồng/kg. “Số còn lại quá lứa, có nguy cơ thối hỏng trên nương, thu không đủ tiền phân bón, gia đình lỗ lớn” - Chị Tiến buồn bã nói.

Rất nhiều thương lái mua trước cả đồi dứa của dân khi quả còn xanh, vụ dứa này cũng “khóc ròng”, do “rớt giá” và không bán được nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, chịu thua lỗ hàng tỷ đồng.

Đến thôn Nao Lốc, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Hợi, là một thương lái chuyên mua đứt cả đồi dứa của người dân từ khi quả còn xanh, theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”.

Nỗ lực tiêu thụ dứa tươi ở Bản Lầu (Lào Cai) -0
 Người dân mang dứa tươi ra ven Quốc lộ 4D bán cho khách mua.

Vụ dứa năm nay, bà Hợi mua hàng chục ha đồi dứa của dân, với sản lượng hàng nghìn tấn, bỏ tiền thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên đến nay, dứa mới tiêu thụ được rất ít, với giá thấp, nguy cơ phải bỏ lại trên đồi nương do chín quá lứa, dẫn đến thối hỏng. Bà Hợi ước tính lỗ hàng tỷ đồng vụ dứa này, nếu các nhà máy chế biến không thu mua nguyên liệu.

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, tại xã thường xuyên có 8 thương lái thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng dứa cho dân địa phương, tuy nhiên đều đang rơi vào tình cảnh rớt giá và tiêu thụ nhỏ giọt, do các nhà máy chế biến dừng hoạt động hoặc giảm công suất, cầm chắc lỗ lớn.

Nỗ lực tìm kênh tiêu thụ dứa cho người dân

Nỗ lực tiêu thụ dứa tươi ở Bản Lầu (Lào Cai) -0
 Người dân sơ chế dứa tươi ngay tại nhà để bán nguyên liệu cho Nhà máy chế biến dứa hộp xuất khẩu Mường Khương, với giá gần 5 nghìn đồng/kg.

Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, từ nay đến hết vụ dứa là tháng 5/2022, còn 375 ha dứa cho thu hoạch, với sản lượng khoảng hơn 9.000 tấn quả. Trong khi các nhà máy chế biến ngừng mua nguyên liệu, do tình hình chiến sự ở Nga-Ukraine đang căng thẳng thì đây là bài toán không dễ, hướng tháo gỡ là nhằm vào thị trường nội địa, thông qua các chợ đầu mối và các siêu thị.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lào Cai đã kết nối với đại diện hệ thống siêu thị VinMart tại Hà Nội nhằm đưa quả dứa vào hệ thống chuỗi siêu thị trong nước, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản Mường Khương. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị này yêu cầu quả dứa phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 0,7kg/quả trở lên và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ dứa cho huyện Mường Khương.

Hiên tại, Nhà máy chế biến dứa hộp xuất khẩu đặt tại xã Lùng Vai (Mường Khương) đã hoạt động trở lại. Nhà máy thay đổi phương thức thu mua dứa nguyên quả tại nhà máy bằng phương thức thu mua dứa đã sơ chế (gọt vỏ và bỏ mắt). Cách làm này nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, nhân công, bãi chứa vỏ dứa thải ở nhà máy, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người trồng dứa.