Nỗ lực phát triển đảng viên trong học sinh (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Chú trọng phát triển cả số lượng và chất lượng
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức các phong trào, hoạt động đoàn và giáo dục chính trị tư tưởng tại các trường THPT góp phần tạo nguồn phát triển đảng viên trong học sinh.
Tổ chức các phong trào, hoạt động đoàn và giáo dục chính trị tư tưởng tại các trường THPT góp phần tạo nguồn phát triển đảng viên trong học sinh.

Mặc dù cấp ủy các cấp đã có nhiều cố gắng làm tốt công tác phát triển đảng viên trong học sinh THPT, nhưng tỷ lệ đảng viên là học sinh THPT tại Hà Nội còn thấp so với tiềm năng, đòi hỏi cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Mặc dù đã có bước chuyển tích cực kể từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án 20-ĐA/TU, thực tiễn triển khai còn bộc lộ một số hạn chế. Một số cấp ủy chưa đặt việc phát triển Đảng trong học sinh là nhiệm vụ trọng tâm; việc tạo nguồn phát triển đảng là học sinh còn e dè, thụ động; việc tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, phát động các phong trào chưa thật sự hiệu quả, thiếu sân chơi để học sinh rèn luyện và thể hiện năng lực.

Không ít cha mẹ chỉ muốn con em mình tập trung học để thi đỗ đại học; một số học sinh có dự định đi du học, cho nên chưa có nguyện vọng vào Đảng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nguồn quần chúng đông nhưng chỉ có thể lựa chọn kết nạp học sinh có tháng sinh đầu năm vì tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp phải tròn 18 tuổi (tính theo tháng). Việc chuyển tiếp quần chúng ưu tú trong diện cảm tình Đảng tại các trường về địa phương và các trường đại học, cao đẳng còn bất cập, nhiều trường hợp các em phải phấn đấu lại từ đầu.

Năm học 2022-2023 vừa qua, thời gian xem xét kết nạp Đảng vào học kỳ II của lớp 12, khi các em dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, khâu chuẩn bị còn cập rập, cho nên nhiều trường chưa kết nạp được học sinh vào Đảng. Từ năm học 2023-2024, thời gian chuẩn bị dài hơn, nhiều trường đã chủ động đăng ký chỉ tiêu, ráo riết triển khai.

Kinh nghiệm cho thấy, việc tạo nguồn phải tiến hành công phu, liên tục, bảo đảm công tâm, khách quan, không chạy theo thành tích, không coi nhẹ tiêu chuẩn song cũng cần linh hoạt, không quá cầu toàn trở nên khắt khe; tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan đảng cấp trên, đảng ủy nhà trường và đoàn thanh niên, giữa gia đình, nhà trường và học sinh.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc, các trường THPT cần rà soát các học sinh đạt điểm cao từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, từ đó sớm chủ động bồi dưỡng, tạo nguồn. Trung ương có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí để công tác kết nạp học sinh THPT vào Đảng thuận lợi và phù hợp với đặc thù riêng. Đây cũng chính là kiến nghị của nhiều trường bởi tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng, có quãng thời gian dài để lựa chọn chính xác nhân tố nổi trội, thử thách, đánh giá toàn diện quá trình phấn đấu của học sinh.

Bên cạnh đó, các quận, huyện nên tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú là học sinh lớp 11, lớp 12 vào dịp nghỉ hè hay đầu năm học; hoàn thành các khâu để tới thời điểm học sinh tròn 18 tuổi có thể kết nạp Đảng được luôn, tránh độ trễ và cần có biện pháp giới thiệu học sinh đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng chưa được kết nạp đến các trường đại học, học viện và địa phương nơi cư trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em tiếp tục rèn luyện, phấn đấu có đủ điều kiện được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án 20, trong đó chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ dạy kiến thức trên lớp, mà cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức-trách nhiệm của công dân, qua đó các trường phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng và kết nạp đảng viên.

Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ: Việc tạo môi trường để học sinh rèn luyện, khẳng định bản thân, phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong tổ chức phong trào, hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn góp phần tạo nguồn phát triển đảng thuận lợi.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khương Đình Nguyễn Tuấn Khanh cũng bày tỏ mong muốn nội dung, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đổi mới hơn, nghiên cứu đưa vào giảng dạy môn Lịch sử Đảng cho học sinh, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lan tỏa hiệu quả công tác kết nạp Đảng, thúc đẩy quá trình phấn đấu của học sinh thông qua website, mạng xã hội, các cuộc họp... để các học sinh tiêu biểu từng được kết nạp tại trường truyền lửa cho thế hệ sau...

Cách làm hiệu quả đã được nhiều trường triển khai cũng minh chứng sự cần thiết xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng phù hợp cho từng giai đoạn cũng như cả nhiệm kỳ, xác định lộ trình thực hiện, coi việc hoàn thành chỉ tiêu là tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức đảng; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, định kỳ sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Cảm kích về sự quan tâm, dõi theo của Đảng ủy Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam ngay cả khi đã ra trường, trưởng thành ở môi trường mới, các học sinh từng được kết nạp Đảng tại trường đã đề xuất kế hoạch xây dựng một cộng đồng các bạn học sinh có nguyện vọng, khát khao được bước vào hàng ngũ đảng viên trong trường và nhiệt huyết chung tay góp sức. Rất cần một chiến lược đào tạo "hạt giống đỏ" bài bản, khoa học từ nguồn học sinh được kết nạp Đảng với cơ chế, chính sách thiết thực tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện, động viên cả vật chất và tinh thần để các em phát huy tối đa năng lực và tiềm năng cống hiến cho quê hương, đất nước.

----------------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 28/11 và 1/12/2023.