Nỗ lực ổn định kinh tế của Sri Lanka

Sau nhiều tháng rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng, chính phủ mới ở Sri Lanka đã được Tổng thống kêu gọi thành lập nhằm tập hợp sức mạnh đoàn kết để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Ngoài nỗ lực giành được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một lộ trình chính sách quốc gia trong 25 năm tới đang được Chính phủ Sri Lanka soạn thảo nhằm giảm nợ công và đưa đất nước trở thành một nền kinh tế xuất khẩu cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu chợ Pettah, thủ đô Colombia, Sri Lanka tháng 4/2022 (Ảnh: REUTERS)
Khu chợ Pettah, thủ đô Colombia, Sri Lanka tháng 4/2022 (Ảnh: REUTERS)

Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã chính thức mời các nghị sĩ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc có sự tham gia của tất cả các đảng phái để giúp nước này nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hiện nay. Tổng thống Wickremesinghe tuyên bố: “Trên cương vị tổng thống, tôi muốn bắt đầu một hành trình mới.

Tôi muốn tập hợp tất cả các bên, tiếp tục hành trình này và thành lập một chính phủ có sự tham gia của tất cả các đảng phái”. Ông cho biết, nền kinh tế Sri Lanka được dự báo tiếp tục suy giảm 7% trong năm nay nhưng sẽ hồi phục vào năm tới. Tổng thống Wickremesinghe khẳng định, ban lãnh đạo đất nước đang nỗ lực ổn định tình hình và xây dựng nền kinh tế hướng đến tăng trưởng vào năm 2023, năm 2024.

Đây được cho là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thực hiện ngay thời điểm này. Theo truyền thông địa phương, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) ở Sri Lanka sẽ không tham gia chính phủ, một số nghị sĩ trong SJB sẽ tham gia với tư cách cá nhân. Trong khi đó, Mặt trận Tự do quốc gia (NFF) đã cam kết ủng hộ Tổng thống Wickremesinghe.

Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài, lạm phát tăng nhanh, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Tháng 4 vừa qua, Sri Lanka thông báo không thể trả nợ nước ngoài, trị giá khoảng 12 tỷ USD và cần phải trả 21 tỷ USD nợ vào cuối năm 2025. Ngày 20/7 vừa qua, Quốc hội Sri Lanka đã bầu ông Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống mới thay thế ông Gotabaya Rajapaksa, người đã rời khỏi Sri Lanka và thông báo từ chức.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người (tương đương 22% dân số Sri Lanka) cần viện trợ lương thực. Trong báo cáo đánh giá mới nhất, WFP cho biết, do giá thực phẩm tăng vọt, hơn 83% số hộ gia đình ở nước này phải bỏ bữa, cắt giảm khẩu phần ăn hoặc mua thực phẩm kém chất lượng hơn. Số người nhận cứu trợ trực tiếp của nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm qua với hơn 90% dân số trông cậy vào nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ, trong đó có khoảng 1,6 triệu viên chức nhà nước.

Lạm phát của Sri Lanka đã lên mức 60,8% trong tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tư nhân cho rằng, con số thực tế còn cao hơn 100%, chỉ đứng sau Zimbabwe.

Sri Lanka đã tái khởi động các cuộc đàm phán với IMF về một gói cứu trợ trong bốn năm và đã hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài. Dự kiến, Sri Lanka sẽ sớm gửi bản kế hoạch đến IMF và đàm phán với các quốc gia cho vay. Tân Tổng thống Wickremesinghe hy vọng đạt thỏa thuận với IMF ở cấp chuyên viên trước cuối tháng 8, đồng thời cho biết Sri Lanka sẽ phải tìm thêm 3 tỷ USD từ các nguồn khác vào năm tới để giải quyết vấn đề nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiên liệu, năng lượng và phân bón. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, phải nhiều tháng nữa điều kiện sống của người dân Sri Lanka mới có thể được cải thiện.

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Wickremesinghe cho biết, Sri Lanka cần các giải pháp dài hạn và một nền tảng vững chắc để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế tái diễn. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm chao đảo đất nước. Nhà lãnh đạo cảnh báo Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có dự báo sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay.

Tổng thống Wickremesinghe cam kết chính phủ đang nỗ lực hết sức để từng bước khôi phục tình trạng bình thường giữa lúc đất nước chìm trong bất ổn chính trị và xã hội. Theo đó, các kế hoạch ban đầu là cần thực hiện một chương trình kinh tế mang tính hệ thống, tạo ra sự ổn định kinh tế. Những cam kết và nỗ lực của tân Tổng thống Wickremesinghe được hy vọng sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi hố sâu khủng hoảng.