Sri Lanka tìm kiếm nguồn hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho trẻ em

Ngày 1/8, Sri Lanka đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng đang ngày càng gia tăng ở trẻ em, khi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến 90% dân số nước này phụ thuộc vào cứu trợ của nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xếp hàng chờ nhận thức ăn tại 1 bếp ăn cộng đồng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 25/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Người dân xếp hàng chờ nhận thức ăn tại 1 bếp ăn cộng đồng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 25/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Bộ Các vấn đề phụ nữ và trẻ em cho biết, cơ quan này đang tìm kiếm các nguồn tài trợ tư nhân để hỗ trợ lương thực cho khoảng vài trăm nghìn trẻ suy dinh dưỡng do thiếu ăn.

Phát biểu trước báo giới tại Colombo, Bộ trưởng Neil Bandara Hapuhinne nhấn mạnh, khi đại dịch Covid-19 ở giai đoạn lây nhiễm đỉnh điểm, hoạt động cứu trợ cho trẻ em đã rất khó khăn. Đến nay, trong bối cảnh đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tình hình càng trở nên khó khăn.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, vào giữa năm 2021, có khoảng 127 nghìn trẻ suy dinh dưỡng trong tổng số 570 nghìn bé trai và bé gái dưới 5 tuổi tại Sri Lanka.

Bộ trưởng Hapuhinne ước tính rằng con số này sẽ còn tăng gấp vài lần do tác động toàn diện của lạm phát, cũng như tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Ngoài ra, số người nhận cứu trợ trực tiếp của nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm qua với trên 90% dân số đang trông cậy vào nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ, trong đó có khoảng 1,6 triệu viên chức nhà nước.

Lạm phát của Sri Lanka đã lên mức 60,8% trong tháng 7 này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng con số thực tế còn cao hơn 100%, chỉ đứng sau Zimbabwe.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra lời kêu gọi tài trợ, trong đó nhấn mạnh trẻ em tại Sri Lanka đang chịu tác động lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người - tương đương 22% dân số Sri Lanka - cần viện trợ lương thực.

Trong báo cáo đánh giá mới nhất, WFP cho biết do giá thực phẩm tăng vọt, hơn 83% số hộ gia đình ở nước này phải bỏ bữa, cắt giảm khẩu phần ăn hoặc mua thực phẩm kém chất lượng.