Nỗ lực, hoàn thành trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Trong chuỗi làm việc với bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố những tháng cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh luôn nhấn mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương cần không ngừng nỗ lực với tinh thần quyết tâm cao nhất để hoàn nhiệm vụ năm 2023. Đây là dịp phát huy trách nhiệm của ngành với người dân, nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nỗ lực, hoàn thành trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Ngày 15/12, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre về việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Từ tháng 11 đến nay, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã làm việc với gần 40 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có những chỉ đạo, đôn đốc, đưa ra các giải pháp trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi người thụ hưởng các chính sách.

Hầu hết các tỉnh đều gặp không ít khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội khó khăn.

Qua các buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, chịu tác động sau dịch bệnh, suy thoái và xung đột toàn cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, trách nhiệm, tâm huyết, vượt qua khó khăn chung cả nước và khó khăn riêng từng vùng miền. Đồng thời, các đơn vị bám sát, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; theo từng giai đoạn đã có những kết quả tốt, so với cùng kỳ năm trước nhiều chỉ tiêu đã tăng cao.

Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều gặp không ít khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội khó khăn. Tỷ lệ sử dụng dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở một số tỉnh ở mức cao, mất cân đối…

Tại Bến Tre, bên cạnh khó khăn, thách thức chung của cả nước, còn gặp nhiều khó khăn thách thức của khu vực và địa phương; đó là tình hình diễn biến phức tạp, gia tăng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giá cả nông sản thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương; bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm trên các lĩnh vực công tác với sự nỗ lực, quyết tâm cao, từ đó đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, toàn tỉnh số người tham gia bảo hiểm xã hội là 111.276 người, đạt 93,73% so với chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; so với cùng kỳ năm trước tăng 1.733 người (1,58%), trong đó: Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 99.597 người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 11.679 người. Toàn tỉnh, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 90.981 người, đạt 96,92% so với chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, so với cùng kỳ tăng 487 người (0,54%). Số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.193.467 người, đạt 97,87% so với chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; so với cùng kỳ tăng 4.710 người (0,4%); bao phủ 91,95% dân số toàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre đã đạt được, tuy nhiên, đến hết tháng 11, các chỉ tiêu về phát triển người tham gia của tỉnh vẫn còn khoảng cách tương đối lớn so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Đây cũng là vấn đề của không ít bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt để tăng tốc hơn nữa.

Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, mục tiêu của ngành không chỉ hoàn thành mà phải là hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đặt ra, nhất là về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì đây không chỉ là các chỉ tiêu, mà hơn hết đó là trách nhiệm của ngành với người dân, nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng các chính sách quan trọng này. Lãnh đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh cần ý thức rõ điều này và truyền tải thông điệp đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương cần không ngừng nỗ lực, hết sức khẩn trương với tinh thần quyết tâm cao nhất để hoàn nhiệm vụ năm 2023; quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phải hoàn thành và bền vững, toàn quốc đạt hơn 93% dân số, vượt chỉ tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh tiếp tục tăng cường các giải pháp giảm nợ, hoàn thành nhiệm vụ thu, để đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm quyền lợi tham gia cho người lao động, vừa bảo đảm bền vững các quỹ.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phải hoàn thành và bền vững, toàn quốc đạt hơn 93% dân số, vượt chỉ tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Về bảo hiểm y tế, cần chú ý trong điều hành sử dụng dự toán và thanh toán theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành đạt mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống trục lợi.

Về giải pháp, Tổng Giám đốc yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương bám sát các chỉ đạo, kịch bản của ngành, nhưng cần nghiên cứu, đánh giá, áp dụng linh hoạt với tình hình địa phương; tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp tại địa phương, quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã. Đẩy mạnh phối hợp giữa bộ phận thu và thanh tra để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra đột xuất với các đơn vị nợ; tiếp tục rà soát hiệu quả dữ liệu thuế, phối hợp với cơ quan công an; theo dõi sát tình hình biến động lao động trên địa bàn…

Trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, tập trung vào các nhóm tiềm năng, tham mưu, huy động thêm các nguồn hỗ trợ từ xã hội, doanh nghiệp. Bên cạnh các nhóm tiềm năng từ trước thì cần quan tâm đến các nhóm vừa được hỗ trợ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, những người này được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế rồi thì cần truyền thông để họ tham gia thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về phát triển bảo hiểm y tế cũng cần bám sát các kịch bản của ngành; rà soát các nhóm được hỗ trợ theo Nghị định 75; đồng thời huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác. “Cần xác định phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, không chỉ là chỉ tiêu cần hoàn thành mà còn là trách nhiệm với người dân, giúp người dân không rơi vào nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật” - Tổng Giám đốc tiếp tục nhấn mạnh.

Trong những ngày còn lại của năm 2023, toàn ngành tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tài chính, nâng cao tinh thần phục vụ. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, bố trí hoạt động xuyên suốt trong các dịp lễ, Tết, bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân, người lao động, doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần thực hiện tốt việc chi trả gộp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2 năm 2024 cho người hưởng có thêm điều kiện vui đón Tết; đồng thời thực hiện nhiệm vụ cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có nhu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu trong thời gian nghỉ lễ…