Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk được ví như “lá phổi” xanh của Tây Nguyên. Trong những tháng mùa khô hiện nay, nhất là trong dịp Tết vừa qua, các cán bộ, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xuyên Tết bám địa bàn, ngày đêm xuyên rừng, vượt núi, băng sông để quản lý, bảo vệ những diện tích rừng và động vật rừng quý hiếm ở đây.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô hiện có đến 716 loài thực vật rừng, thuộc 141 họ, 47 bộ ở 7 lớp thuộc 5 ngành thực vật… Với tính đa dạng sinh học cao nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây là hết sức cấp bách.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích 26.800 ha nằm trải dài trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên độc đáo của hệ sinh thái rừng nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đại ngàn Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ thuộc vùng sinh thái được xếp hạng ưu tiên bảo tồn; bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn đặc biệt quý hiếm phân bổ tập trung nhất của Việt Nam hiện nay như bò rừng, bò tót… đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhằm góp phần duy trì, bảo vệ sự cân bằng môi trường sinh thái, phát huy vai trò giữ, điều tiết nguồn nước cho lưu vực đầu nguồn nhiều con sông, suối lớn… ở Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Dưới đây là những hình ảnh về sinh cảnh tự nhiên độc đáo của hệ sinh thái rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong những ngày mùa khô Tây Nguyên hiện nay của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô: