Việt Nam là một trong những nước có lượng phát thải KNK liên tục tăng, từ mức hơn 21 triệu tấn khí thải CO2 năm 1990 lên 150 triệu tấn CO2 năm 2000; dự tính lượng khí thải CO2 tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020. Trong đó, 46% lượng KNK phát thải từ việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính), sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản; 5% từ hoạt động giao thông; 6% từ chất thải; 3% còn lại là từ các lĩnh vực khác.
Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BÐKH, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải KNK so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia môi trường cho rằng, những năm qua, lượng khí thải chủ yếu ở Việt Nam đến từ hoạt động giao thông và năng lượng cố định chiếm hơn 90% tổng lượng khí thải mà nước ta đang đối diện.
Những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và phát thải KNK ngày càng tăng. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế. Theo báo cáo về giám sát phát thải KNK của TP Hồ Chí Minh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, lượng khí thải trong năm 2013 khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% lượng phát thải quốc gia.
Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, Việt Nam đang khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp cho quá trình giảm phát thải KNK, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, những nơi có lượng KNK cao. Xây dựng và triển khai các dự án hạn chế phát thải KNK trong các lĩnh vực: quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch.
Phó Cục trưởng BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn cho biết, năm 2018 - 2019, Cục BÐKH và Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về BÐKH của thành phố. Trong đó, thí điểm xây dựng dự án tăng cường hiệu quả cho các tòa nhà tại địa bàn; thực hiện hoạt động kiểm kê KNK cấp thành phố; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải KNK cho ngành giao thông.
Bên cạnh đó, năm 2018, JICA tiếp tục hỗ trợ TP Hồ Chí Minh triển khai giai đoạn mở rộng dự án; hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia. Xây dựng hướng dẫn quy trình quản lý và kiểm kê KNK tổng hợp, qua đó giúp TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong cả nước thực hiện công tác kiểm kê KNK. Ðến nay, TP Hồ Chí Minh là một trong năm thành phố kiểm kê đầy đủ năm nguồn phát thải gây hiện tượng KNK, và dự kiến sẽ là địa phương đi đầu trong cả nước kiểm soát được nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tại Hà Nội, các hoạt động giảm phát thải KNK cũng đang được tích cực triển khai. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống kê phát thải KNK ở các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp... Triển khai chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam trong thời gian tới, hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường.