Nhiều mô hình phù hợp
Nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 25%, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Ðông, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các cơ quan, đơn vị nhận nhiệm vụ giúp đỡ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (ba đơn vị giúp một xã) đã có những việc làm cụ thể và thiết thực. Các ngành được phân công giúp đỡ xã nghèo đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có những giải pháp cụ thể, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) huyện Nam Ðông Trần Hoàng chia sẻ: Các cơ quan, doanh nghiệp hướng vào hình thức giúp đỡ những hộ nghèo theo phương châm chỉ trao cần câu chứ không cho xâu cá. Giảm nghèo cho bà con dân tộc miền núi cần thay đổi suy nghĩ, bỏ tư tưởng bao cấp của Nhà nước. Người dân là chủ thể giảm nghèo, Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, các đơn vị tiếp tục tập trung khảo sát thực trạng, nguyên nhân "gốc" dẫn đến cái nghèo để có giải pháp đồng bộ.
Các mô hình được triển khai ở địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Không đầu tư, hỗ trợ dàn trải, các ngành đã có những buổi truyền thông trực tiếp cho hàng trăm người nghèo, người cận nghèo trong độ tuổi lao động. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để hỗ trợ thiết thực. Cộng đồng người dân được tham gia tiếp cận các chương trình, dự án ngay từ đầu, trao quyền để họ tự quyết định phương thức đầu tư, vận hành các dự án, cấp chính quyền chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ, điều phối chung.
Tại huyện Nam Ðông, phần lớn số hộ nghèo là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, họ đã biết cách làm giàu, ổn định cuộc sống và sớm thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây cao-su. Toàn huyện trồng được gần 4.000 ha cao-su, trong đó diện tích có chất lượng tốt đạt hơn 73%. Ước tính, mỗi héc-ta thu về khoảng từ 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm. Từ một huyện nghèo của tỉnh, giờ đây lương thực bình quân đầu người ở Nam Ðông đạt mức 250 kg/năm, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/năm. Bà Lê Thị Nga, ở xã Thượng Quảng trước đây là hộ nghèo. Năm 2014, được vay vốn, khai hoang đất đồi núi để trồng 5 ha cây cao-su. Nhờ cần cù và chăm chỉ, gia đình bà Nga được trả công xứng đáng. Số tiền thu lãi từ bán mủ cao-su bình quân đạt bảy, tám triệu đồng/tháng, cho nên bà đã xây nhà, mua xe máy, các con đều được đi học.
Ở huyện miền núi A Lưới, nếu năm 2011 có 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thì đến nay chỉ còn duy nhất xã Hồng Thủy có tỷ lệ nghèo cao hơn 25%. Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây cao-su, cà-phê, chuối tạo nguồn thu nhập cao cho đồng bào. Những vùng đồi hoang hóa được phủ xanh nhờ chuyên canh cây cao-su, cây cà-phê, rừng nguyên liệu, hàng chục nghìn ha rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày… Ðồng bào dân tộc được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón và hướng dẫn cách chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Từ đó, không ít hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, lãi ròng từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm.
Tại xã Hồng Quảng (huyện A Lưới) có 244 hộ nghèo trong số 602 hộ (chiếm 40,5%). Lực lượng lao động dồi dào nhưng hầu hết người dân chưa kiếm được việc làm phù hợp. Ông Hồ Văn Mừng, một trong những hộ nghèo ở Hồng Quảng kể: Ngày trước, cán bộ cho con gì thì mình nuôi con đó. Có lần, họ cho cặp heo nhưng tôi không có chuồng trại cho nên cứ thả rông, một thời gian ngắn thì dịch bệnh khiến heo chết, nghèo vẫn hoàn nghèo. Bây giờ, gia đình tôi được các đơn vị tặng con giống, được cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô-phi, cá trắm cỏ, cá chép. Thu nhập từ nuôi cá bắt đầu ổn định. Toàn xã có 40 hộ có khả năng thoát nghèo được chọn để các đơn vị: Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ. Các đơn vị đã có một số giải pháp cụ thể, thiết thực đối với từng hộ nghèo. Người thì được tăng thu nhập bằng cách tạo việc làm tại các doanh nghiệp. Người thì được hỗ trợ về cây giống, con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Phụ nữ trong gia đình được hướng dẫn cách chi tiêu, tích lũy…
Xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) là một trong bốn xã của huyện A Lưới có hộ nghèo giảm xuống dưới 25% trong năm 2017. 10 hộ nghèo ở xã Hồng Hạ đã chọn phương thức nuôi bò và dê khi hội tụ ba yếu tố: có chuồng trại, có vườn cỏ và có lao động để chăn nuôi. Ðiểm mới của hỗ trợ người nghèo là chuyển từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ con giống, cách làm ăn phù hợp. Người nghèo được tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm tùy thuộc vào năng lực, điều kiện của từng gia đình. Nếu không đăng ký cam kết thoát nghèo theo lộ trình, họ sẽ không được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Các hộ được hỗ trợ phải có chuồng trại nếu chăn nuôi, phải có đất sản xuất nếu trồng trọt. Các đơn vị được phân công giúp đỡ xã đã giúp 70% nguồn vốn cho các đối tượng, còn 30% khơi dậy tinh thần tự chủ của người nghèo. Các đơn vị hướng dẫn cụ thể, có sự giám sát chặt chẽ, tương tác với người nghèo để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Mô hình nuôi gà thảo dược của hộ chị Lê Thị Na ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (huyện Phong Ðiền).
Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực
Một thời, với nhiều lý do, trong đó có sự hỗ trợ hoàn toàn từ phía Nhà nước, không ít gia đình vẫn thụ động, ỷ lại, không nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Có rất nhiều chương trình giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Nam Ðông và A Lưới nhưng không thành công. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Ðông Lê Thanh Hồ cho rằng: Nghèo đói đôi khi lại xuất phát từ chính những thói quen, tập tục lạc hậu của đồng bào. Bà con cần phải thay đổi thói quen chi tiêu. Phải biết tiết kiệm, đầu tư vào kế hoạch sinh lợi, chỉ có như thế bà con mới có thể thoát nghèo.
Ngân sách 5 năm tới dành cho công tác giảm nghèo đã được phê duyệt với tổng nguồn lực hơn 470 tỷ đồng. Nguồn vốn để người nghèo vay với lãi suất ưu đãi không thiếu. Cho nên, người nghèo có quyền hy vọng, không lâu nữa, từ các xã bãi ngang ven biển đến những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, mỗi người nghèo sẽ có một mô hình thoát nghèo theo cách riêng của mình. Nhà nào ít lao động, có thể chọn mô hình như nuôi bò nhốt chuồng, nuôi lợn nái F1, nuôi cá chình trong bể… Người nghèo có thể hợp sức với nhiều hộ trong thôn để mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng trọt nhanh chóng thoát nghèo. Giao thông ở các xã bãi ngang sẽ thông thoáng hơn khi nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân thuận tiện trong việc buôn bán, đi lại.
Ngoài việc hỗ trợ học nghề miễn phí, người lao động nghèo còn được phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật, tư vấn pháp luật, quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động trợ giúp cần hướng đến tính bền vững, trợ giúp cần có cam kết, điều kiện kèm theo và hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, đồng thời phối hợp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo. Chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật và các điều kiện chăn nuôi cho bà con khi có vấn đề phát sinh.
Giám đốc Sở LÐ-TB và XH tỉnh Thừa Thiên - Huế Hà Văn Tuấn cho biết, năm 2018, chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,06% (giảm từ 5,98 xuống còn 4,92%). Tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu là hơn 68,8 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các xã đặc biệt khó khăn thuộc xã biên giới, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn.
Ðể đạt được chỉ tiêu giảm 1,06% tỷ lệ hộ nghèo, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.