Bình luận quốc tế

Nỗ lực giảm gánh nặng nợ công

Trong chín tháng điều hành đất nước vừa qua, Chính quyền Tổng thống Argentina Javier Milei thu được một số thành quả tích cực, song vẫn gặp không ít sóng gió khi theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Trình bày dự thảo ngân sách năm 2025 trước Quốc hội Argentina mới đây, Tổng thống Milei tiếp tục cam kết nỗ lực nhằm trút bỏ gánh nặng nợ công.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng peso của Argentina tại một ngân hàng ở Buenos Aires. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Đồng peso của Argentina tại một ngân hàng ở Buenos Aires. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Đưa thâm hụt ngân sách về mức không là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính quyền Tổng thống Milei đưa ra từ đầu nhiệm kỳ. Theo đó, nhiều bộ bị cắt giảm, hàng chục nghìn nhân viên nhà nước bị sa thải.

Ngân sách phân bổ cho các tỉnh cũng giảm, trợ cấp đối với ngành năng lượng, giao thông bị xóa bỏ và tiền lương, lương hưu được giữ nguyên dù trong bối cảnh lạm phát cao. Việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mạnh tay giúp Argentina hạ nhiệt lạm phát, đồng thời tạo thặng dư tài chính. Lạm phát hằng tháng giảm từ mức 26% hồi tháng 12/2023 khi ông Milei mới nhậm chức xuống khoảng 4% tháng 8 vừa qua.

Dù thu được một số kết quả tích cực, song “liệu pháp gây sốc” mà Chính phủ Argentina triển khai không dễ được chấp nhận, như Tổng thống Milei từng cảnh báo. Những người phản đối cho rằng, những thành quả đạt được phải trả giá bằng một nền kinh tế bị bóp nghẹt.

Những chính sách hà khắc khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn, đẩy thêm nhiều người vào cảnh đói nghèo. Những biện pháp cải cách của Chính quyền Tổng thống Milei vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức công đoàn và đảng đối lập, kéo theo nhiều cuộc biểu tình và đình công.

Bất đồng giữa Chính quyền Tổng thống Milei và phe đối lập thể hiện rõ qua các cuộc bỏ phiếu về một số dự luật gần đây. Nhằm thúc đẩy an sinh xã hội, Quốc hội Argentina thông qua dự luật về tăng lương hưu. Tuy nhiên, ông Milei phủ quyết vì cho rằng khoản chi này đe dọa nỗ lực cân đối ngân sách.

Các đảng đối lập sau đó cũng không giành được đa số phiếu cần thiết để đảo ngược quyết định phủ quyết nêu trên. Mới đây, các nhà lập pháp Argentina lại thông qua dự luật tăng chi tiêu cho các trường đại học công lập. Cũng với lý do tương tự, Tổng thống Milei tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật này.

Trong buổi trình bày về dự thảo ngân sách năm 2025 của ông Milei trước quốc hội vừa qua, nhiều nghị sĩ vắng mặt cũng thể hiện sự không đồng tình với các chính sách của chính phủ. Một số nhà phân tích nhận định, điều này báo hiệu dự thảo ngân sách năm 2025 sẽ không dễ dàng được thông qua.

Thái độ kiên quyết trong bài phát biểu trước quốc hội cho thấy, ông Milei không ưu tiên thỏa hiệp, dù trước đó đã phải nhượng bộ để một số dự luật được thông qua.

Việc Tổng thống Argentina đích thân trình bày dự thảo ngân sách trước các nhà lập pháp là chưa có tiền lệ, bởi nhiệm vụ này vốn được giao cho Bộ trưởng Kinh tế. Động thái này khẳng định quyết tâm của ông Milei xóa bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài nhiều năm qua tại Argentina.

Trong bài phát biểu, ông Milei nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tháo ngòi bom nợ công” nhằm giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã. Ông Milei cũng khẳng định sẽ phủ quyết mọi dự luật ảnh hưởng chính sách tài khóa. Theo ông Milei, tình huống duy nhất mà chính phủ xem xét tăng chi tiêu công là khi yêu cầu này đi kèm với một khoản cắt giảm.

Ngay sau khi ông Milei trình bày dự thảo ngân sách cho năm tới, Bộ Tài chính Argentina kỳ vọng tỷ lệ lạm phát năm 2025 sẽ giảm xuống 18,3% dù năm 2024 vẫn ở mức ba con số. Cùng với đó, GDP dự kiến tăng trưởng 5% vào năm 2025 và năm sau đó. Dự báo lạc quan này dựa trên cơ sở chính sách cải cách của ông Milei được triển khai thành công.

Đảng Tự do tiến lên (LLA) của ông Milei hiện giữ thế thiểu số trong Quốc hội Argentina. Thúc đẩy sự phục hồi kinh tế là yếu tố quan trọng để Chính phủ Argentina nhận được sự ủng hộ từ người dân và rất cần thiết đối với LLA trong cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm 2025. Giành thêm ghế trong cơ quan lập pháp sẽ tạo thuận lợi để ông Milei tiếp tục thúc đẩy các chương trình cải cách.