Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính cả năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (GDP) đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại hơn 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của ngành Nông nghiệp trước khi dự hội nghị. |
Đánh giá tổng thể, năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Đó là:
Ngành đã có nhiều chuyển biến thực tiễn về ‘tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp’ với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở; trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản.
Các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông-lâm-thủy sản.
Giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (GDP) năm 2022 đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Năm 2022 đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm.
Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản cao kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.
Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng để nhanh chóng chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kịp thời truyền tải đến cộng đồng các kết quả chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga-Ukraine... Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như sau:
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính là: kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.
Hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được truyền trực tuyến tới các tỉnh, thành phố cả nước. |
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông-lâm-thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.
- Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước; mong ngành tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023 và hoàn thành tốt hơn năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy thí dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà-phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...
Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.
Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mà trước hết là quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ-TW của Trung ương. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẩn trương ổn định tổ chức, sắp xếp lại cả 4 tổng cục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức. Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có nhiệm vụ tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, các chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, nhu cầu của thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.
Thứ năm, đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Thứ sáu, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTA, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời, coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Thứ bảy, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; khẩn trương ban hành và thực hiện chương trình hành động 180 ngày giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng” IUU, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Thứ tám, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đẩy mạnh phát triển điện sinh khối, bán tín chỉ carbon... Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ chín, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phối hợp các cấp, các ngành chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Xây dựng nông thôn mới không chỉ chạy theo chỉ tiêu số lượng xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới mà xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn phải theo hướng nông thôn văn minh, hiện đại nhưng phải gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển văn hóa.
Thứ mười, đẩy mạnh chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.