Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2022, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản thành phố ước tăng 2,58% so cùng kỳ năm 2021.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt gần 40.640 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước, trong đó, giá trị ngành trồng trọt hơn 16.240 tỷ đồng, giá trị ngành chăn nuôi đạt gần 19.970 tỷ đồng, giá trị dịch vụ nông nghiệp đạt hơn 875 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đến nay, thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng.
Nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp đưa công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu tạo đột phá trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố.
Về xây dựng nông thôn mới, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ba huyện đăng ký hoàn thành trong năm 2022, gồm Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức, trong đó, huyện Ứng Hòa đã được đoàn thẩm tra thành phố thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để làm cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
Hai huyện Ba Vì và Mỹ Đức đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2022, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quý I/2023.
Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng đạt kết quả tích cực, với 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 32 xã so với kế hoạch thành phố giao. Đặc biệt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các địa phương triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, thu nhập cho người dân.
Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP với 1.649 sản phẩm được công nhận, trong đó có bốn sản phẩm năm sao, 13 sản phẩm tiềm năng năm sao; 1.098 sản phẩm bốn sao và 534 sản phẩm ba sao.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng đối diện khó khăn, thách thức lớn của việc tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp; sản xuất nông nghiệp còn manh mún và nông dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, phát huy kết quả đạt được năm 2022, năm 2023 ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 2,5 đến 3%. Thành phố phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường; đồng thời xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới, năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đánh giá cao kết quả đạt được của nông nghiệp Thủ đô. Đặc biệt, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp thành phố dẫn đầu cả nước như chương trình sản phẩm OCOP, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Tuy nhiên, về định hướng phát triển nông nghiệp, Hà Nội cần khai thác lợi thế Thủ đô để có hướng đi riêng, bứt phá mới, phù hợp điều kiện phát triển. Ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất; phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.