Tuy nhiên, người trồng lúa đang đối mặt với nhiều nỗi lo, bởi giá bán các loại lúa thu hoạch trước Tết Nguyên đán xuống thấp.
Trong nỗ lực hỗ trợ nhà nông, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như hoạch định sản xuất lúa hiệu quả hơn.
GIÁ LÚA GIẢM LIÊN TỤC
Vụ đông xuân này, nông dân Lê Quốc Đạt ở xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang trồng gần 4 ha đất giống lúa Đài Thơm 8; trong đó có 18 công đất nhà và hơn 20 công đất thuê mướn. Còn khoảng 5 ngày nữa là lúa chín và thu hoạch, tuy nhiên, anh Đạt cho biết vừa nhận cọc thương lái với giá chỉ 6.700 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 8.000- 9.000 đồng/kg cùng thời điểm này năm trước.
“Chi phí đổ vào mỗi công đất trồng lúa khoảng 4 triệu đồng. Với diện tích đất nhà, nếu năng suất đạt 800kg/ công thì nông dân còn có lợi nhuận chút ít. Riêng đất thuê vẫn sản lượng như vậy, với giá lúa còn 6.700 đồng/kg thì chỉ hòa vốn đến lỗ vốn”, anh Đạt cho biết.
Những ngày qua, giá lúa ở Kiên Giang biến động thất thường. Giao dịch thu mua có lúc, có nơi ảm đạm, gây khó khăn và lo lắng cho nông dân. Để giảm rủi ro và xoay vòng vốn cho vụ canh tác tiếp theo, đa số nông dân chọn phương án bán lúa tươi tại ruộng, chấp nhận giá thấp hơn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh Nguyễn Thanh Điền cho hay, địa phương trồng chủ yếu là lúa ST24, ST25 và Đài Thơm 8 nhưng giá lúa ST24 và ST25 xuống còn 9.700 đồng/kg, giảm 1.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2024. Lúa Mục Ruồi Đỏ (lúa chịu mặn) và Đài Thơm 8 có giá dao động khoảng 6.700- 6.800 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg. Nhìn chung, lợi nhuận của nông dân giảm so với năm trước nhưng vẫn có lãi.
Tại Sóc Trăng, giá lúa bắt đầu giảm từ khoảng hơn một tháng nay với mức từ 1.000- 2.000 đồng/kg, tùy theo giống. Lúa thơm nhẹ lúc đầu vụ có giá hơn 9.000 đồng/kg, mấy ngày nay chỉ còn hơn 7.000 đồng/ kg. Lúa thơm ST24 và ST25 cũng có mức giảm mạnh nhất với gần 2.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tư ở thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Tôi giữ lúa chờ giá tăng trở lại nhưng thất vọng vì cận Tết giá lại giảm thêm hơn 1.000 đồng/kg. Hiện giá lúa thơm ST25 thương lái thu mua chỉ còn 8.500 đồng/kg, giảm đến 3.000 đồng/kg. Tôi lo không biết giá lúa có còn giảm nữa không?”.
Theo nhiều doanh nghiệp, giá lúa giảm trong hơn 1 tháng qua có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giá gạo xuất khẩu giảm mạnh bởi nguồn cung tăng, đồng thời, nhiều quốc gia giảm nhập khẩu gạo để dự trữ khiến gạo giảm mạnh với mức giảm bình quân khoảng 18-25 USD/tấn. Hơn nữa, khi giá gạo thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp trong nước chào bán giá thấp nhằm thu hồi vốn khiến mặt bằng giá lúa gạo trong nước cũng giảm mạnh thêm. Trong khi đó, nông dân lại ồ ạt bán ra để có tiền trả nợ giống, vật tư nông nghiệp và chi tiêu dịp Tết.
NỖ LỰC HỖ TRỢ NÔNG DÂN
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, giá lúa bán ra dù thấp hơn mọi năm nhưng so với giá thành sản xuất thì vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, đối với nông hộ trồng lúa đơn lẻ, do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán thấp cho nên mức lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ.
Để hạn chế khó khăn, chính quyền các địa phương đang khẩn trương chỉ đạo ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tiết kiệm tối đa chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu khi xuống giống các vụ sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ ngành công thương theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường, giá thu mua lúa, gạo để thông tin kịp thời đến nông dân.
Vụ lúa đông xuân năm nay, Hợp tác xã Hưng Lợi xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng sản xuất gần 603 ha, trong đó 90% số diện tích sản xuất lúa ST25. Nhờ áp dụng các quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, chi phí sản xuất vụ này giảm từ 4-5 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân đạt từ 6,2 tấn/ha, vì vậy giá lúa ST25 giảm nhưng lợi nhuận của xã viên vẫn đạt lợi nhuận từ 40 triệu đồng/ha trở lên.
Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi, Trương Văn Hùng cho biết, hiện lúa đông xuân của hợp tác xã đã thu hoạch hơn 50% diện tích. Xã viên nhờ được cung cấp vật tư nông nghiệp với giá gốc từ công ty phân phối cho nên chi phí đầu tư thấp, giá lúa giảm vẫn bảo đảm lợi nhuận.
Xã viên Phạm Hoàng Trân tính toán, năm nay sản xuất 3 ha giống lúa ST25 mới vừa thu hoạch, năng suất đạt gần 6,3 tấn/ha với giá bán 10.300 đồng/ kg lúa tươi tại ruộng, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang về còn gần 43 triệu đồng/ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, vụ lúa đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 140.350 ha, thu hoạch gần 30.000 ha, năng suất ước đạt 6,27 tấn/ha, sản lượng 170.011 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, ở các vùng dự án ngọt hóa Long Phú-Tiếp Nhựt thuộc các huyện Trần Đề, Long Phú và các vùng sử dụng nước trời (nước mưa), nông dân sau khi thu hoạch vụ đông xuân sớm không xuống giống lúa đề phòng ảnh hưởng hạn, mặn.
Đối với vùng nước ngọt như huyện Kế Sách, một phần huyện Châu Thành khi nguồn nước trên các kênh rạch nội đồng đủ khả năng phục vụ cho sản xuất thì mới quyết định xuống giống. Khuyến cáo nông
dân thay đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng lúa do thiếu nước tưới trong mùa khô sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày, sử dụng ít nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhận định, thời gian tới cần tăng cường kết nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và thị trường.
Theo đó, cần thiết lập các kênh phân phối trực tiếp từ nông dân đến doanh nghiệp và thị trường, giảm bớt chi phí trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân; chia sẻ khi thị trường biến động, giảm rủi ro để nông dân có thể cùng nhau chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, tiếp cận doanh nghiệp và thị trường dễ dàng hơn. Ngoài ra, nông dân cần nắm bắt đầy đủ hơn về lợi ích của việc thúc đẩy liên kết tiêu thụ, tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng lúa để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long rất mong muốn ngân hàng vào cuộc, cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, tín dụng cho nông dân để họ có thể duy trì sản xuất trong thời kỳ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo.