Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5)

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Với việc chủ động tham gia vào các công ước quốc tế, cùng sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Việt Nam đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều loài chim hoang dã được sinh sống, bảo tồn tại Vườn chim Thung Nham, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh MỸ HÀ)
Nhiều loài chim hoang dã được sinh sống, bảo tồn tại Vườn chim Thung Nham, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh MỸ HÀ)

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều hệ sinh thái khác nhau như: Núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển...

Đến nay, Việt Nam có khoảng gần 63.000 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và hơn 11.000 loài sinh vật biển...

Hằng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại ở Việt Nam. Đáng chú ý, tính đến năm 2023, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 62 khu bảo vệ cảnh quan.

Hiện Việt Nam có chín khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; đứng đầu khu vực với 12 vườn di sản ASEAN; một vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc-Đông Á (EAAFP).

Đáng mừng, thời gian qua Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước Đa dạng sinh học; Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar); Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF)...

Mặt khác, Việt Nam cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học như: Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khi hậu.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; nhất là thông qua giảm các đầu mối săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã...

Để thực hiện hiệu quả các nội dung Công ước Việt Nam tham gia, các mục tiêu Chiến lược, Đề án Chính phủ đề ra, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... và nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn khác.

Bộ cũng Tăng cường phối hợp các đối tác, tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF)... để xây dựng các chương trình hợp tác nhằm tối ưu hóa nguồn lực huy động cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần triển khai thực hiện GBF và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về đa dạng sinh học, thông qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học; đồng thời huy động sự ủng hộ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện GBF nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.

Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về GBF và Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 1/11/2024 tại Thành phố Cali (Colombia). Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; phổ biến, hướng dẫn, thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; triển khai các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã; bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia, các khu vực được công nhận di sản thiên nhiên; ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.

Các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học như: Giảm thiểu phát thải, ngăn chặn và giảm rác thải nhựa, quản lý chặt chẽ thuốc trừ sâu và hóa chất dùng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý dịch bệnh, thâm canh bền vững; lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng các giải pháp tiên tiến về khoa học công nghệ trong giám sát đa dạng sinh học, phát triển các giải pháp đổi mới nhằm cải thiện việc bảo tồn cũng như sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các địa phương trên cả nước.