Cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm từ mía

Thị trường mía đường hiện khởi sắc, các doanh nghiệp tại Nghệ An tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật tư nông nghiệp… mở rộng vùng nguyên liệu; đồng thời từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền chế biến tạo thêm các sản phẩm ngoài đường và sau đường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng mía bằng cơ giới ở nhiều vùng nguyên liệu của NASU Nghệ An.
Trồng mía bằng cơ giới ở nhiều vùng nguyên liệu của NASU Nghệ An.

Lợi nhuận từ việc trồng mía đã giúp nông dân phấn khởi chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng nguyên liệu mía. Cây mía không chỉ là cây “xóa nghèo” mà còn là cây “làm giàu” đối với nông dân các vùng nguyên liệu mía, nhất là vùng miền tây Nghệ An.

Mở rộng vùng nguyên liệu

Nghệ An là một trong những trung tâm mía đường lớn, với ba công ty sản xuất, tổng công suất hơn 14 nghìn tấn mía cây/ngày. Trong đó, đứng đầu là Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU Nghệ An), công suất 9.000 tấn mía cây/ngày, kế đến, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con và Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam.

Thời gian trước, do giá đường thấp cho nên giá mía thu mua thấp, người dân không mặn mà với việc trồng, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường nên diện tích mía nguyên liệu ở Nghệ An giảm dần theo từng năm. Hai năm trở lại đây, giá đường tăng, các nhà máy có lãi và tự tin đầu tư vùng nguyên liệu, tăng giá thu mua mía nguyên liệu và có nhiều chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng, qua đó giúp nhà máy có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất.

Tổng Giám đốc NASU Nghệ An Ngô Vân Tú cho biết: Thị trường đường có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp có lãi, đã mạnh dạn đầu tư trở lại cho nông dân, thông qua việc liên tục đã nâng giá thu mía và các chính sách hỗ trợ người trồng phát triển vùng nguyên liệu. Nếu vụ ép 2020-2021, giá mía cơ bản tại ruộng là 900 nghìn đồng/tấn, thì hai vụ ép gần đây, giá mía liên tục tăng với giá mua hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Vụ ép 2022-2023, giá thu mua mía cho người dân tăng lên 1,16 triệu đồng/tấn, cao nhất từ trước tới nay.

Cùng với đó, Công ty NASU Nghệ An đã hỗ trợ cho nông dân vay không lãi suất hay lãi suất ưu đãi với 30 khoản mục liên quan, từ khai hoang làm đất, chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía; hỗ trợ giống mía năng suất cao, thuốc bảo vệ thực vật… đến lắp hệ thống tưới; hỗ trợ nông dân đầu tư đưa cơ giới hóa vào cánh đồng mía giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất sản xuất lên gấp nhiều lần...

Trong hai vụ ép gần đây, doanh nghiệp đã hỗ trợ không hoàn lại cho người trồng mía gần 22,6 tỷ đồng và cho vay với lãi suất ưu đãi gần 134 tỷ đồng. Nhờ đó đến nay, vùng nguyên liệu của công ty phát triển thêm được 7.283 ha mía, vượt kế hoạch 2.283 ha; nâng diện tích mía nguyên liệu dự kiến vụ ép 2023-2024 gần 13.000 ha với sản lượng mía ép khoảng 720.000 tấn. Với công suất “khủng” 800 nghìn tấn mía/năm, nhiều năm liền nhà máy đường NASU Nghệ An đều đói nguyên liệu, nhưng hiện nay, công ty đang tự tin hợp tác với nông dân để sớm phục hồi các vùng nguyên liệu đáp ứng đủ công suất nhà máy. Vụ ép 2022-2023, NASU Nghệ An đã ký hợp đồng với 15.510 hộ nông dân trồng mía.

Cùng với việc thu mua mía giá cao, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Phó Giám đốc công ty Nguyễn Bá Quý cho biết: Công ty cho vay đầu tư tất cả khâu sản xuất mía, từ làm đất đến thu hoạch bằng cơ giới và chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại mía…, Công ty hỗ trợ tối đa 20 tấn bùn mía đã qua xử lý cho một héc-ta trồng mới; hỗ trợ chi phí bốc mía lên xe 50.000 đồng/tấn; hỗ trợ khách hàng lớn, có diện tích từ 20 ha trở lên ổn định trong từng năm và trong ba năm liên tiếp. Công ty còn có chính sách riêng cho từng vùng, từng hộ để tạo động lực phát triển nguyên liệu.

Nhờ đó đến nay, diện tích mía nguyên liệu của công ty đạt hơn 6.500 ha, tăng so với niên vụ trước là 25%... Nhằm giảm lao động thủ công, tăng năng suất và giảm chi phí cho người trồng mía, các nhà máy đường đã đầu tư nhiều máy thu hoạch mía. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Mía đường Sông Con trong vụ ép này, đầu tư ba máy thu hoạch mía, 15 máy bốc mía và sáu thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật…

Theo tính toán, với giá mía hơn 1,1 triệu đồng/tấn mua tại ruộng và năng suất 60-70 tấn/ha, thì người trồng có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha. Trái ngược với một số cây trồng chủ lực khác, được mùa mất giá, mía trồng đến đâu, thu mua hết đến đó, giá lại cao nên người trồng yên tâm bám mía để đầu tư chăm sóc và mở rộng diện tích trồng mía.

Ông Võ Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, huyện miền núi Anh Sơn cho biết: Hai năm nay, mía được giá, 496 hộ dân trong xã đã tận dụng các loại đất, trồng được hơn 150 ha mía, tăng hơn 20 ha so với năm trước. Người dân đã đầu tư, chăm sóc cây mía hợp lý, cho nên cho hiệu quả kinh tế cao. Với năng suất bình quân đạt 80-90 tấn/ha, người trồng mía ở Hùng Sơn lãi từ 35 đến 40 triệu đồng/ha. Trong đó, có nhiều gia đình trồng mía, đạt năng suất hơn 100 tấn/ha. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Cầm ở thôn Quang Tiến (Hùng Sơn), khi đầu tư hai ha đất bãi trồng mía cho năng suất hơn 120 tấn/ha, lãi gần 60 triệu đồng/ha...

Giá mía tăng cao, nhiều địa phương miền núi Nghệ An chỉ đạo chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía. Trong đó, huyện Quỳ Hợp đã chuyển đổi gần 1.000 ha cây cam bị dịch bệnh và một số cây trồng khác không hiệu quả sang trồng mía vừa giúp bà con có thu nhập ổn định vừa giúp cải tạo đất. Bà Phan Thị Ngân ở Công ty Nông công nghiệp 3/2 (Quỳ Hợp) cho biết: Gia đình bà đã mạnh dạn phá bỏ 10 ha cam còi cọc sang trồng mía vụ xuân 2023. Nhờ áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân bằng máy nên dự kiến cho thu nhập khá; đồng thời, giúp cải tạo đất bị nhiễm bệnh vàng lá, gân xanh Greeninh...

Nhiều nông dân bám mía để làm giàu, điển hình như ông Trần Doãn Lê, xóm 9, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, người trồng mía diện tích lớn với hơn 50 ha/vụ. Ông Lê cho biết: “Giá đường tăng cao cho nên gia đình quyết làm giàu từ cây mía. Ngoài diện tích đất của gia đình, tôi còn thuê mượn đất của người dân trong vùng và đất 5% để trồng mía. Nhờ đầu tư chăm sóc hợp lý, năng suất mía hằng năm đạt hơn 70 tấn/ha. Với giá mía thu mua tại ruộng hơn 1,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình có lãi hơn 1,5 tỷ đồng”. Gia đình ông Lô Văn Vinh, dân tộc thiểu số ở xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp cũng mạnh dạn đầu tư trồng 22,8 ha mía cho lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng/năm…

Ứng dụng công nghệ hiện đại

Thời gian qua, các nhà máy đường ở Nghệ An đã đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào phát triển vùng nguyên liệu. NASU Nghệ An là nhà máy đường duy nhất tại Việt Nam xây dựng và vận hành hệ thống sản xuất giống mía sạch bệnh ba cấp. Đó là việc phục tráng sức khỏe hom giống, vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt vừa bảo đảm sự chống chịu các bệnh do virus, vi khuẩn lan truyền qua hom giống. Đơn vị còn nhân nhanh các giống mía tốt sau thời gian khảo nghiệm so sánh diện hẹp và đánh giá diện rộng, chuyển giao ra sản xuất đại trà.

Công ty đã và đang nghiên cứu áp dụng chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thông qua áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp cơ giới hóa, từ cày đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía bằng máy; sử dụng máy bay không người lái (Drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó, năng suất mía tăng dần qua các năm. Theo tính toán, thực nhập vụ ép 2022-2023 là 57 tấn/ha, nếu tính cả làm giống, ép mật và bán ngoài thì năng suất ước 70 tấn/ha. Công ty đã thuê chuyên gia xây dựng phần mềm My NASU, tăng hiệu quả trong quản lý đồng ruộng. Nhờ phần mềm này mà nhân viên NASU dễ dàng xác định được địa điểm ruộng mía của nông dân trên googlemap với tọa độ, diện tích, loại mía… Ngoài ra, nông dân sử dụng smartphone để truy cập các thông tin có liên quan như, tiền vay từ công ty; sản lượng mía ước tính; sản lượng mía đã nhập với trọng lượng bao nhiêu tấn và độ đường CCS; tiền được nhận; tra cứu tình trạng lệnh thu hoạch và xe chở mía. Đội ngũ lái xe chở mía cũng tương tác vào hệ thống này để kết nối với nông dân để chở mía nhanh chóng, kịp thời...

Công ty NASU từng được biết đến là nhà máy đầu tư dây chuyền chế biến đường với công nghệ, thiết bị hiện đại của EU. Ngoài sản xuất đường, công ty còn tận dụng nhiệt lò hơi và bã mía để đầu tư Dự án điện Co-gent, phát lên lưới điện quốc gia khoảng 35% sản lượng điện do Nhà máy sản xuất, khoảng 4MWh, tăng doanh thu cho công ty trên 10 tỷ đồng/năm. Năm 2022, công ty đầu tư 4,5 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất đường phèn cung cấp cho thị trường. Ngoài các sản phẩm chính, công ty còn cung cấp bã bùn, tro lò cho người dân trồng mía...

Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cũng đã đầu tư năm tỷ đồng để đưa công nghệ mới vào chế biến đường tinh luyện, cho ra sản phẩm đường đẹp hơn và hạt đường to hơn so với công nghệ cũ... Với thị trường đường có nhiều khởi sắc, các công ty mía đường Nghệ An đang tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu theo quy hoạch của tỉnh nhằm ổn định công suất chế biến; cải tiến công nghệ, dây chuyền chế biến tạo thêm các sản phẩm khác ngoài đường và sau đường. Cây mía đang dần là cây “làm giàu” cho vùng miền tây Nghệ An, nhất là đối với các hộ nông dân trồng nguyên liệu mía với diện tích lớn ■