Tại Hà Nội có 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng ba lần so với cùng kỳ năm 2023), đây được coi là điểm bất thường, bởi bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm và đỉnh điểm của dịch này có thể xảy ra vào tháng 10 và 11. Ngoài bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn mười trẻ mắc bệnh ho gà, là những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.
Đáng chú ý, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 người chết vì bệnh dại, gần 675 nghìn người phải điều trị dự phòng, trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi. Riêng hai tháng đầu năm 2024, cả nước cũng đã ghi nhận 23 ca tử vong dại trên người, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 5 đến 15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới năm tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các bệnh dịch đang lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...) đến các bệnh dự phòng bằng vaccine (bạch hầu, ho gà, uốn ván...) và các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài.
Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm như hiện nay và đang diễn ra nhiều lễ hội tại các địa phương thường tập trung đông người là điều kiện lý tưởng để các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát. Do vậy, để bảo đảm kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần sớm ban hành kế hoạch phòng, chống dịch năm 2024 của địa phương; bố trí đủ kinh phí và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Mặt khác, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ ngành y tế triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm; xử lý triệt để ổ dịch; ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu không rõ nguồn gốc...
Ngành y tế của từng địa phương tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, lưu ý theo dõi sự gia tăng các ca bệnh lây qua đường hô hấp, những trường hợp viêm phổi nặng do virus; chủ động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và ở cơ sở y tế. Đối với bệnh dại, ngành y tế các địa phương cần bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tại những vùng nguy cơ cao, trước mắt, bố trí mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.
Song hành với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành y tế, thì sự đồng hành của người dân đóng một vai trò rất quan trọng, đó là việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà các cơ quan chuyên môn đưa ra, như chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh, nhất là các bệnh có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như: Sởi, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván… Người dân cũng cần tích cực tham gia vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống để phòng các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… và các bệnh truyền nhiễm khác.