Không chủ quan, lơ là với bệnh dại

Bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trạm Y tế phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa bệnh dại trên chó, mèo. (Ảnh HUY HOÀNG)
Cán bộ Trạm Y tế phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa bệnh dại trên chó, mèo. (Ảnh HUY HOÀNG)

Nếu năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại thì trong khoảng 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại tại khoảng 14 tỉnh, thành phố; hơn 17 ổ dịch dại tại hơn 12 tỉnh, thành phố. Hầu hết trường hợp tử vong là do chủ quan, không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn...

Trong hai tháng đầu năm, cả nước có hơn 70 nghìn người bị động vật cắn và phải điều trị dự phòng bệnh dại. Trong số đó, có gần 20 người tử vong do bị các vật nuôi chó, mèo mắc bệnh dại cắn.

Điển hình như trường hợp cháu T.T.H.T. (4 tuổi, ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã tử vong sau 9 ngày bị chó cắn vào mặt, trán,...

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Hàm Tân, cháu T. sau khi bị chó cắn vào nhiều vị trí ở mặt nhưng không được xử lý vết thương tại chỗ, không tiêm vắc-xin phòng dại mà điều trị bằng phương pháp dân gian.

Con chó sau khi cắn cháu T. có biểu hiện hung dữ, chảy nước bọt nhiều và đã bị đánh chết. Sau 7 ngày bị chó cắn, cháu T. có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn và kèm theo đó là triệu chứng sợ gió, nôn ói, sốt nhẹ và được người thân đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Tại đây, bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) trong tình trạng bệnh đã trở nặng và tử vong.

Vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, một con chó bất ngờ chạy vào Trường tiểu học và THCS Dực Yên, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tấn công 13 học sinh và 1 nam giáo viên. Sau khi bị chó cắn, 14 người này đã được tiêm vắc-xin và chuyển tới CDC Quảng Ninh tiêm huyết thanh phòng dại.

Hiện sức khỏe của thầy giáo cùng 13 học sinh đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi. Con chó tấn công những người nêu trên đã bị bắt lại và gửi mẫu xét nghiệm có kết quả mẫu dương tính với vi-rút dại. UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ, lãnh đạo UBND xã Dực Yên nhanh chóng rà soát các trường hợp có thể bị phơi nhiễm liên quan con chó dại nêu trên.

Hiện mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 70 người tử vong do chó mèo mắc bệnh dại cắn. Khi đã phát bệnh dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với người bị động vật cắn. Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi-rút dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, liếm của động vật mắc bệnh.

Loại vi-rút này có trong nước bọt của những động vật mắc bệnh dại như chó, mèo, chồn... Một số trường hợp, bệnh dại có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, các niêm mạc ở mắt, mũi.

Thời gian ủ bệnh có thể dưới 1 tuần hoặc hơn 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi-rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương... Khi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện sợ nước, sợ gió, co giật, buồn nôn, mất ngủ, chán ăn, liệt tay chân, rối loạn tiểu tiện,... và dẫn đến tử vong.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Yên Bái Nguyễn Đức Điển, năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 5.400 người phải điều trị dự phòng bệnh dại, 1 người tử vong do bệnh dại.

Từ đầu năm 2024 đến nay có khoảng 420 người trong tỉnh phải điều trị dự phòng bệnh dại... Trước tình hình bệnh dại tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, Bộ NN và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 1296/BNN-CT về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Về phía sở, để phòng, chống bệnh dại trên động vật đạt hiệu quả, tiến tới không còn người chết vì dại. Sở NN và PTNT tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm có nguy cơ nhiễm bệnh dại chưa được tiêm vắc-xin phải được điều trị dự phòng.

Về vấn đề này, Bác sĩ CK1 Lê Anh Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị chó, mèo,... mắc bệnh dại cắn.

Cụ thể, để hạn chế đến mức thấp nhất nước bọt của động vật mắc bệnh dại hoặc không mắc bệnh dại cắn bám nhiều hơn vào vết thương, cần rửa kỹ các vết thương, cắn, cào trong vòng 15 phút bằng nước và xà phòng, hoặc bằng nước sạch.

Sau đó dùng cồn 45 độ - 70 độ, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine rửa sạch vết thương và dùng gạc y tế, vải sạch để băng bó vết thương nhằm tránh nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không dùng tay để nặn máu, chà sát ở vết thương nhằm tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin phòng dại theo lộ trình. Tuyệt đối không chữa dại bằng thuốc nam, thuốc đông y hoặc đắp, sát các loại lá lên vết thương.

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại, giảm nguy cơ mắc cũng như tử vong do dại, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện đề nghị các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng.