Phát triển “kinh tế xanh” là một trong những định hướng quan trọng mà Ninh Bình đã và đang tập trung triển khai thực hiện trong những năm vừa qua. Lĩnh vực văn hóa được xem là nguồn lực và động lực quan trọng. Do đó, những năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển bền vững.
Văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế du lịch
Với bề dày lịch sử, Ninh Bình đang lưu giữ hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Ðây chính là tiềm năng sẵn có để Ninh Bình đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch. Trên cơ sở đó, các ngành du lịch có thể khai thác, hấp dẫn du khách.
Một trong những nguồn lực quan trọng của văn hóa Ninh Bình là di sản văn hóa, với số lượng lớn, có lịch sử hình thành, phát triển và lưu truyền qua hàng nghìn năm lịch sử. Ðây là nguồn tài nguyên văn hóa có giá trị cao, đa dạng, phong phú, có tính tổng hợp và độc đáo, đang là điểm tựa để Ninh Bình sáng tạo các giá trị vật chất, tinh thần mới, tạo nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng trong phát triển bền vững.
Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình
Việc giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, đã tạo thay đổi mang tính căn bản ở Ninh Bình, từ thay đổi về diện mạo, kiến trúc, quy hoạch không gian đô thị, không gian di sản đến thay đổi về cơ cấu kinh tế, lấy du lịch làm mũi nhọn. Ðặc biệt là thay đổi về tâm thế con người vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng du khách tham gia lễ hội tại khu du lịch Tam Cốc-Bích Động. (Ảnh: Minh Đường) |
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh chia sẻ, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng, nâng cao giá trị các sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch, góp phần tăng thêm việc làm ở các địa phương, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo điểm nhấn quan trọng đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ninh Bình là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Ðây chính là nguồn lực, lợi thế để tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch và xác định du lịch văn hóa là một trong những trụ cột chính, mang tính hạt nhân để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, an toàn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời dẫn dắt và thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình
Tạo nên những làng quê đáng sống
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vũ Nam Tiến cho biết, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh khá nhỏ lẻ khó phát triển thành ngành hàng hóa lớn, hay xuất khẩu, tuy nhiên lại có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh và phát triển du lịch; ngành đang tập trung tham mưu, chỉ đạo một số nội dung xây dựng và triển khai các dự án nông nghiệp gắn với du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm.
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, Ninh Bình đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị của nhiều loại sản phẩm của địa phương, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nắng rọi, vừng đông hửng sáng trải dài trên tuyến đê dọc sông Ðáy qua huyện Yên Khánh, xuôi về phía biển… Có lẽ đây là tuyến đê đặc biệt nên người dân trong vùng đặt tên là “đê kiểu mẫu”. Ðúng như tên gọi, hai bên bờ đê là những “hàng rào xanh”, “hàng rào hoa”, uốn lượn dọc dòng sông Ðáy. Phía trong đê là xã Khánh Thiện, một trong hai xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
Nhiều sản phẩm OCOP từ nghề làm bánh truyền thống tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. (Ảnh: Trần Hiệp) |
Vào mỗi buổi chiều, đi trên con đường sạch đẹp ở xóm Cầu, xóm Phong An... du khách được tận mắt nhìn cảnh người dân đang làm bánh. Tiếng cối xay, tiếng giã bột làm bánh mật, bánh đúc, bánh đa vừng..., khiến nhiều người nhớ về ký ức tuổi thơ... Qua những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và bí quyết riêng, người dân nơi đây đang tạo ra những sản phẩm OCOP đặc sắc của địa phương, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người dân trong xã.
Khánh Thiện còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống, thông qua các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, tồn tại bên những làng nghề cây cảnh, làm bánh..., Ðây là những tiềm năng cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Bà Phạm Thị Dung, người dân xóm Cầu, xã Khánh Thiện năm nay ngoài 70 tuổi vui vẻ nói, xóm vẫn giữ được nét đẹp làng quê, đời sống lại ngày một khấm khá hơn nhờ phát triển nghề làm bánh truyền thống. Nhưng cái được lớn nhất là sự tin tưởng và hài lòng với các cấp chính quyền, người dân được yên tâm lao động sản xuất, tình làng nghĩa xóm không bị phai nhạt. Cái được đó còn hơn cả của cải.
Xác định tài nguyên văn hóa là nguồn lực và động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững kinh tế-văn hóa-xã hội, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, Ðảng bộ và nhân dân Ninh Bình quyết tâm thực hiện những đột phá chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó, Ninh Bình đang có sự phát triển mạnh mẽ, hài hòa trên ba lĩnh vực: Nông nghiệp-Công nghiệp và Dịch vụ. Từ năm 2022 địa phương đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình
Việc lấy tài nguyên văn hóa làm động lực để chuyển hướng từ kinh tế “nâu” sang kinh tế xanh, đồng thời thường xuyên cập nhật chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 22; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025..., là lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Ninh Bình trở thành địa phương tiên phong về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh ở vùng kinh tế-xã hội đồng bằng sông Hồng, cũng như cả nước trên nền tảng khai thác và tận dụng tốt nguồn tài nguyên văn hóa của mình.
Trong sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 84% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó: 4,3 triệu lượt khách nội địa, 220 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 3.750 tỷ đồng, gấp 2,87 lần so với cùng kỳ năm 2022.