Tới dự và chỉ đạo có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 54; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW, do đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trình bày; cùng tham luận của đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung làm rõ nhiều vấn đề mà chủ trì hội nghị nêu như: Tham luận về công tác xây dựng đảng; về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch Ninh Bình thành trung tâm du lịch vùng, quốc gia. Phát triển văn hóa con người Ninh Bình; về tác động của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở Ninh Bình và vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW đánh giá cao báo cáo tổng kết của tỉnh Ninh Bình và các tham luận có chất lượng tạo ra bức tranh toàn cảnh về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW.
Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu, Ninh Bình cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng; kinh tế biển, phát triển đô thị; vấn đề bảo vệ môi trường khi thực hiện công nghiệp hoá; vấn đề đô thị hoá, khai thác du lịch, dịch vụ và những tồn tại trong chuyển đổi số. Đặc biệt, Ninh Bình cần sớm lập quy hoạch tỉnh, đó là công cụ quan trọng bảo đảm phát triển bền vững.
Là tỉnh đầu tiên tổ chức tổng kết Nghị Quyết 54-NQ/TW, Ninh Bình đã bám sát hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Từ đó, tạo cơ sở để Trung ương đánh giá, tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TWvà triển khai các nghị quyết mới phù hợp với thực tiễn từng vùng, cũng như đánh giá đúng về cực tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, kinh tế-xã hội của Ninh Bình có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Năm 2022, Ninh Bình đã tự cân đối được ngân sách, góp phần giảm gánh nặng cho Trung ương. Ninh Bình bước đầu tạo ra sự liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành tỉnh có cơ hội phát triển kinh tế năng động để rút ngắn khoảng cách của tiểu vùng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.