Những y, bác sĩ trẻ ở quần đảo Trường Sa

Ðại úy Nguyễn Thế Bình, bác sĩ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 ra đảo Song Tử Tây cùng sáu y, bác sĩ của viện hơn một năm nay. Tốt nghiệp Học viện Quân y, bàn chân  Bình đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau và lần này là Trường Sa. Ra đảo, xa gia đình, nhưng cả kíp đều xác định, đây là đợt công tác dài ngày, phải gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bình ra đảo khi con gái đầu mới tròn một tuổi, vợ anh cũng rất thông cảm và luôn sẻ chia với khó khăn của chồng. Tuần đầu tiên ra đảo, anh em đã thích nghi, hòa nhập ngay với môi trường mới. Khí hậu trong lành, công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng dịch tốt, các chiến sĩ rèn luyện nghiêm túc, ý thức kỷ luật cao nên khỏe mạnh.

Ngoài những căn bệnh ốm đau  thông thường như cảm cúm, mụn, nhọt, viêm da, sổ mũi, nhức đầu... thỉnh thoảng Bình và đồng đội vẫn gặp một số ca bệnh khó, nhất là trong điều kiện trị bệnh tận ngoài đảo xa.

Tuy nhiên, với trách nhiệm và sự tận tâm của người chiến sĩ quân y, các ca bệnh khó đều được chữa trị thành công. Ðảo Song Tử Tây còn duy trì thường xuyên cho các đơn vị thi đua giữ gìn vệ sinh, kết hợp với đôn đốc kiểm tra, nên ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt nhất, quân số khỏe trên đảo vẫn đạt 99%. Một kíp trực có một bác sĩ và một y sĩ, chỉ cần có tin cán bộ, chiến sĩ bị đau bụng, trượt chân ngã... ít phút sau, kíp trực đã có mặt kịp thời.

Thỉnh thoảng, nhóm y, bác sĩ còn đặt ra tình huống để thao diễn, luyện tập, xử lý nhanh chóng. Năm qua, kíp quân y của đảo đã khám 280 lượt người, mổ 30 ca, trong đó có những ca cấp cứu phức tạp như mổ chấn thương, nhọt, viêm nhiễm, tai nạn...

Không chỉ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, các bác sĩ còn chữa bệnh cho bà con ngư dân, phổ biến nhất là tai nạn liệt hai chi dưới do lặn sâu khi lên bờ, giảm áp suất đột ngột. Nhiều ca bệnh nặng, phải cho thở ô-xy, sau hai ngày tận tình điều trị, sơ cứu, tiếp tục chuyển vào trong bờ chữa trị mới thoát khỏi cơn nguy kịch. Cá biệt có ca bệnh nặng nhất, tàu phải chạy tới 240 km mới cập đảo; khi đó vết thương đã mưng mủ, nhiễm trùng, phải xử lý gấp. Rồi những ngày mưa bão, khi anh em khẩn trương tránh bão thì quân y luôn ở tư thế sẵn sàng giúp đỡ bà con khi gặp nạn. Cơn bão khủng khiếp giữa năm ngoái, một chiếc tàu bị bão đánh thủng, rất may tàu vừa cập đảp nước đã tràn ngập tàu. Ngay từ khi phát hiện tàu báo tín hiệu cần cứu hộ, kíp trực thường trực sẵn nhanh chóng mang chăn, áo mưa, quần áo ủ ấm cho ngư dân, đưa họ vào đảo, chăm sóc sức khỏe. Bị ngấm nước lạnh, đói khát, nhiều người hoảng loạn, rét run cầm cập vì gặp nạn.

Ðợt bão số 7, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã tận tình nuôi ngư dân trên đảo cả tháng trời, cung cấp nhu yếu phẩm, tạo điều kiện cho họ trở về đất liền, còn đợt bão Chan-chu, bão số 1, kíp y, bác sĩ của đảo cũng lênh đênh trên biển chữa trị bệnh, giúp đỡ bà con ngư dân.

Ðọc những lá thư cảm ơn của bà con may mắn được các anh cứu sống, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình quân dân thắm thiết. Nét chữ viết vội tuy nguệch ngoạc, nhưng ẩn sau đó là tình cảm, sự biết ơn vô bờ bến đối với các y, bác sĩ.

Bác sĩ Bình cho biết, những năm gần đây, trạm y tế được nâng cấp đầu tư; trang, thiết bị và cơ số thuốc ở đảo đã được tăng cường, nên công tác chữa bệnh bớt khó khăn. Năm nay, được ăn Tết ngoài đảo, anh rất háo hức. Tháng tư, khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền, ngoài những món quà đặc trưng của biển đảo, sẽ không thể thiếu những câu chuyện thắm tình đồng đội nơi đảo xa.

Mặc dù nhà không có ai theo ngành y, nhưng với Phan Bá Hiếu, ở xứ Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nghề "chữa bệnh cứu người" có sức hút kỳ lạ. Năm 2002, Hiếu tốt nghiệp Học viện Quân y và vào công tác ở quân chủng hải quân tại TP Hồ Chí Minh, sau đó nhận nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan và Ðá Lớn, quần đảo Trường Sa. Hiếu và đồng đội từng đối mặt với một ca "trung phẫu" là cấp cứu ruột thừa cho một chiến sĩ. Nhận được tin báo, bất chấp trời tối, sóng to, chỉ ít phút sau, Hiếu đã có mặt tại điểm đảo khám cho bệnh nhân. Triệu chứng ban đầu chưa rõ, cơn đau lại giảm sau khi tiêm kháng sinh, nhưng đêm hôm đó, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, Hiếu chẩn đoán chính xác bệnh nhân viêm ruột thừa cấp và sáng hôm sau, chuyển gấp bệnh nhân sang đảo Phan Vinh. Ca mổ thành công, sau gần hai giờ đồng hồ.

Ðặc thù tác nghiệp ngoài đảo độc lập, điều kiện chữa trị thiếu thốn, mọi tình huống phải giải quyết tối đa trong khả năng cho phép,  ít va chạm với những ca chữa bệnh đặc biệt phức tạp, nên điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ khó khăn hơn.

Ðể luôn cập nhật, nâng cao kiến thức, những lúc rỗi rãi, Hiếu miệt mài đọc và nghiên cứu sách y học, tài liệu chuyên ngành. Tâm lý người bệnh thường rất  lo lắng khi ở giữa đảo xa mênh mông, do vậy các y, bác sĩ như Hiếu không chỉ đơn thuần chữa bệnh mà còn là "chuyên gia tâm lý" trấn an tinh thần, động viên anh em yên tâm chữa trị.

Ra đảo nhận nhiệm vụ, Hiếu rất vui khi đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho bộ đội khỏe, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Và niềm vinh dự, tự hào ấy càng được nhân lên khi đêm đêm, Hiếu canh gác cùng đồng đội trước biển cả bao la sóng vỗ.

Bố Hiếu từng là thủy thủ, nên ông rất thấu hiểu nỗi gian truân của cuộc sống lênh đênh ngoài đảo xa. Thương con, ông luôn động viên Hiếu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghề y không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, giỏi nghề mà phải có tâm.

Với người bác sĩ trẻ này, không có niềm vui nào hơn khi chẩn đoán, điều trị thành công ca bệnh khó. Vừa làm, tìm tòi, rút kinh nghiệm, trình độ tay nghề dần nâng cao. Anh còn tư vấn cho nhiều y sĩ ở các đảo chìm về chuyên môn, nghiệp vụ để trị bệnh hiệu quả, kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ.

Hiếu bộc bạch, cuộc sống của người chiến sĩ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, cả trong công việc lẫn đời sống thường nhật, đã là người lính phải chấp nhận hy sinh. Và mỗi lần vượt qua được thử thách, mình càng dạn dày, trưởng thành hơn rất nhiều.

Khi đặt chân tới đảo Sinh Tồn Ðông, cũng như bao chiến sĩ lần đầu tiên ra đảo, cảm giác bồi hồi, háo hức tràn ngập trong lòng Nguyễn Trường Xuân, y sĩ trẻ ở quê lúa Thái Bình.

Mới về công tác tại Viện 354 hơn một năm, Xuân tình nguyện ra quần đảo Trường Sa công tác. Năm 2007, Xuân và đồng đội đã chữa trị cho hơn 200 người, trong đó có 24 người dân; luôn sẵn sàng ứng trực bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn khỏe mạnh, có sức khỏe tốt hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xa đất liền, công tác ở môi trường mới ở một đơn vị sẵn sàng chiến đấu giữa đảo xa, khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, thiếu rau xanh, nước ngọt; khác hẳn với bệnh viện sầm uất giữa thủ đô. Bệnh chủ yếu của anh em chiến sĩ trên đảo là cảm cúm thông thường, dị ứng, bệnh ngoài da... Với những ca bệnh khó, cả kíp lại cùng bàn luận, trao đổi để đưa ra cách chữa trị hiệu quả nhất.

Mỗi kíp mổ gồm ba y, bác sĩ; mỗi tháng anh em khám, chữa bệnh khoảng  15 ca, đối với các ca bệnh nặng liên kết y, bác sĩ ở đơn vị bạn hỗ trợ cứu chữa. Ca mổ phức tạp nhất mà cả kíp thực hiện thành công là chích rạch u bã đậu cho chiến sĩ Lê Bảo Toàn. Sau hơn 10 ngày điều trị, vết thương mau lành và bệnh nhân đã bình phục.

Một ca bệnh khác phức tạp không kém là lần điều trị cho chiến sĩ Nguyễn Văn Bình bị viêm tụy cấp. Với căn bệnh nặng như vậy, ngay cả ở trong bờ, điều kiện chữa trị đầy đủ, cũng có thể xảy ra tai biến. Tuy nhiên, dù ở đảo, điều kiện chữa bệnh còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Xuân và đồng đội tận dụng hết khả năng và trang, thiết bị trên đảo như dịch truyền, kháng sinh, các thuốc giảm tiết, hỗ trợ điều trị bảo đảm không bị hoại tử tuyến tụy, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. Ðược các y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chế độ sinh hoạt, chữa trị, bệnh nhân dần khỏi bệnh. Mỗi ca điều trị thành công, Xuân cảm thấy rất phấn khởi vì tay nghề được nâng cao, học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Những lúc rỗi rãi, cậu thường đọc sách về y học cổ truyền, vận dụng đông y để chữa trị cho đồng đội. Không chỉ chữa bệnh, công tác phòng dịch ở đảo Sinh Tồn Ðông cũng được quan tâm. Khi dịch tả hoành hành trong đất liền, dù ở đảo xa, các y, bác sĩ đã tổ chức phun thuốc vệ sinh phòng dịch, khử trùng, bảo đảm giữ gìn môi trường trong lành.

Một tấm gương mà Xuân rất ngưỡng mộ là nữ bác sĩ anh hùng Ðặng Thùy Trâm. Anh tâm sự, trong khói bom ác liệt, chị Trâm đã đem hết tâm huyết, trí tuệ cứu chữa đồng chí, đồng đội, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, Tổ quốc.

Với Xuân, ra đảo lần này cũng là một thử thách. Bạn gái đã viết hơn 30 lá thư thăm hỏi, dặn dò Xuân cố gắng giữ gìn sức khỏe, công tác tốt. Mỗi lần đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ, Xuân lại hát bài "Chút thư tình của người lính biển". Những lời ca mộc mạc, chân thành cũng chính là tình cảm của những người lính trẻ ở hải đảo xa xôi gửi về đất liền, cho những người thân yêu nhất.