Những xóm trọ ấm tình thân trong đại dịch

NDO -

Mỗi người một miền quê, một hoàn cảnh, đều có cả trăm, cả nghìn lý do riêng khi dọn về ở cùng nhau trong dãy phòng trọ. Dịch bệnh hoành hành, cái nghèo lại càng nhân lên. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh tưởng chừng khó khăn nhất ấy, những tình cảm sẻ chia giữa người với người lại trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.

Hàng trăm chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã miễn, giảm tiền thuê và hỗ trợ người thuê nhà lương thực, thực phẩm.
Hàng trăm chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã miễn, giảm tiền thuê và hỗ trợ người thuê nhà lương thực, thực phẩm.

Tháng 7, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là lúc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Dãy phòng trọ của chị Châu Thị Kim Hà, tại khu phố 5, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, thường vắng vẻ bởi người thuê trọ hầu hết đều là công nhân, người lao động tự do, chỉ trở về nhà vào cuối ngày làm việc, nay như đông hơn, ồn ã hơn.

Chị Hoàng Thị Thu Thủy (quê Quảng Nam), một trong những người thuê trọ tại đây, cho biết: “Ngay khi có thông tin dịch xâm nhập vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những người lao động nghèo như bọn em đã linh cảm đến những điều tồi tệ nhất”.

Không phải chờ lâu, “điều tồi tệ nhất” mà chị Thủy linh cảm đã đến. Chị nhận được thông báo tạm thời nghỉ việc. Chị Thủy chia sẻ: “Mình làm tạp vụ, thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, dù rất khó khăn nhưng co kéo khéo cũng đủ cho con mình ngày hai bữa cơm. Giờ không còn nguồn thu nhập, mình không biết phải bấu víu vào đâu để sống”.

Xóm trọ đông hơn nhưng không vì thế mà vui lên. Lẫn trong những lời hỏi thăm nhau là những tiếng thở dài. Với họ, mất việc làm cũng đồng nghĩa với nồi cơm ở nhà hết gạo. Chị Thủy buồn bã tâm sự: “Nhà mình ở quê cũng rất nghèo. Ba mẹ, anh chị em không giúp được gì nhiều cho nhau. Mình giờ cũng vậy, lương tháng không đủ ăn thì lấy gì để tích lũy. Đã năm tháng nay mình vẫn chưa có tiền đóng cho cô Hà”.

Chỉ với 1 triệu đồng/phòng/tháng, dãy phòng trọ 39 phòng của chị Châu Thị Kim Hà như một xã hội thu nhỏ. Có bạn quê tuốt ngoài miền bắc, miền trung; có em ông bà, ba mẹ nhiều đời gắn bó với sông nước vùng miệt thứ dưới miền Tây. Có người đến rồi đi nhưng tựu trung đều còn trẻ và nghèo.

Chị Hà cho biết: “Các em đa phần còn rất trẻ, mới bắt đầu xa nhà lập nghiệp nên công việc chưa thật ổn định. Nhiều em còn gánh nặng gia đình ở quê nên thu nhập đã không cao lại càng thêm eo hẹp. Những chuyện đó tôi biết cả. Những đợt dịch trước, tôi đều miễn giảm tiền thuê cho các em, đợt này cũng vậy”.

Thông tin cô Hà miễn toàn bộ tiền phòng trong tháng 7 có lẽ là tin vui nhất với những người ở trọ tại đây. Dù thực hiện nghiêm quy định cách ly nhưng bằng nhiều cách họ vẫn chia sẻ với nhau niềm vui ấy. Chị Thủy đùa: “Bọn em tặng quà, tặng hoa cho cô Hà nhiều lắm. Toàn là những sticker trên điện thoại thôi. Có mấy phòng trước toàn bật nhạc buồn, xa nhà, nhớ quê, sau khi nghe cô Hà thông báo thấy bật toàn nhạc trẻ”. Vui nhưng mắt Thủy vẫn ngân ngấn nước: “Cô Hà cũng miễn cho em năm tháng tiền nhà đấy. Cô Hà tốt lắm”.

Niềm vui, sự sẻ chia cứ thế nhân lên khi nhiều chủ nhà trọ không chỉ quyết định miễn, giảm tiền thuê nhà mà còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những hộ khó khăn.

Anh Trương Công Định, chủ của dãy trọ 12 phòng và 7 căn nhà cho thuê trên đường Lý Thái Tổ thuộc tổ 8, khu phố Tân Hạnh, thị xã Phú Mỹ, chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tôi đã quyết định giảm 50% tiền thuê nhà cho tất cả các hộ. Khi dịch bùng phát mạnh, tôi quyết định miễn toàn bộ tiền thuê nhà trong 2 tháng để hỗ trợ mọi người. Trước mắt là như vậy, nếu tiếp tục khó khăn tôi sẽ tính giảm tiếp. Có ai muốn dịch bệnh bùng phát đâu, mình khó khăn một thì người thuê trọ khó khăn mười. Mỗi người cùng san sẻ một chút khó khăn để cùng vượt qua đại dịch”.

Tấm biển thông báo miễn phí toàn bộ tiền thuê trọ tháng 7 và tháng 8 của anh Định như sưởi ấm thêm tấm lòng của những người thuê trọ…

Những khu nhà trọ, nhà ở của công nhân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày này còn là điểm đến của nhiều đoàn thể, chính quyền và các nhà hảo tâm. Đón nhận những bịch cá khô, những thùng mì ăn liền, những chai nước mắm từ tay những nhà hảo tâm, có cả nụ cười và những giọt nước mắt.

Em Bùi Văn Nhiệm, sinh năm 2003, là công nhân đang thi công dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn tại thôn 1, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tâm sự: “Lần đầu xa nhà đi công trình nên em rất bỡ ngỡ. Hôm hay tin TP Vũng Tàu sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ em tính dọn đồ để về nhà. Ở nhà, dù gì cũng còn có cái ăn, chứ ở đây không biết thế nào”.

Đứng cạnh Nhiệm là Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 2000 nhưng ra dáng đàn anh: “Em phải động viên mãi nó mới chịu ở lại. Giờ về quê không may nhiễm dịch dọc đường lại làm khổ người thân. Ai ở đâu cứ ở yên chỗ đấy. Anh em rau cháo qua ngày, hết dịch lại đi làm, trả nợ, lo gì”.

Không biết Tuấn Anh động viên bạn hay đang tự trấn an mình bởi trên mặt em vẫn còn đó những lo lắng, bất an vào những ngày phía trước. Nhận túi gạo và vỉ trứng gà từ tay nhà hảo tâm và chính quyền địa phương trao tặng, mắt em rơm rớm nước: “Bọn em còn trẻ, có sức khỏe mà đi nhận quà thế này thật kỳ lắm. Nhưng dịch bệnh phong tỏa khắp nơi, làm gì cũng khó. Giờ bọn em chỉ biết động viên nhau để cùng vượt qua dịch bệnh. Sau này đứa nào làm ăn khấm khá nhớ ngày hôm nay để trả nghĩa mọi người”…

Ghi nhận tấm lòng của những hộ gia đình đã miễn, giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Sơn Tuấn đã đến thăm, tặng quà, động viên các chủ nhà trọ trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.

Qua thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 3.700 khu nhà trọ với hơn 36 nghìn người lao động đang sinh sống. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, đến nay đã có hàng trăm chủ nhà trọ đăng ký miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động.

Những nghĩa cử ấy đã phần nào giúp người lao động nghèo thêm vững lòng vượt qua khó khăn trong những ngày giãn cách.