Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII

Những vấn đề đặt ra trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Kỳ 1)

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều địa phương đã có giải pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn, bước đầu góp phần mang lại kết quả, tạo chuyển biến tích cực. Quá trình triển khai chủ trương này tại cơ sở, đã đưa đến một số bài học kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra những vướng mắc, khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bài 1: Nỗ lực triển khai, kết quả bước đầu

Sau khi có Nghị quyết 39-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về tinh giản biên chế, nhất là Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các địa phương, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhiều địa phương chủ động thực hiện với các mô hình khác nhau, tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị, vị trí công tác, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Ða dạng các mô hình hợp nhất, sáp nhập

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối, giảm số cán bộ lãnh đạo. Ðến nay, tỉnh đã thực hiện một số mô hình thí điểm là thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh; hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra ở toàn bộ 14 đơn vị cấp huyện; hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ ở 13 trong số 14 đơn vị cấp huyện; hợp nhất Văn phòng Ðoàn đại biểu QH, Văn phòng HÐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng tham mưu, giúp việc chung; sắp xếp bảy chi cục thuế cấp huyện thành ba chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh; thành lập Trung tâm truyền thông, trên cơ sở hợp nhất báo Quảng Ninh, Ðài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh), Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh (thuộc Văn phòng UBND tỉnh)… Tỉnh Quảng Ninh đã giảm bốn đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương, tiết kiệm ngân sách hơn 300 tỷ đồng/năm do giảm khoảng hai mươi nghìn người hưởng lương, phụ cấp thường xuyên và không phải bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang, thiết bị làm việc, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Từ những mô hình thí điểm của Quảng Ninh, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nhiều địa phương đã tham khảo và áp dụng theo lộ trình phù hợp. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, triển khai thêm một số mô hình khác. Một số tỉnh đã hợp nhất Ðảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Ðảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; thành lập Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Ðảng của Tỉnh ủy. Tỉnh Lào Cai đã hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, thành lập Sở Giao thông vận tải - Xây dựng. Tỉnh Hà Giang thống nhất chủ trương hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu đã hợp nhất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, thành lập Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Giáo dục và Ðào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, thành lập Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ. Tỉnh Cao Bằng đề xuất thêm mô hình hợp nhất: Sở Kế hoạch - Ðầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính - Kế hoạch, Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Thông tin - Khoa học công nghệ. Tỉnh ủy Bắc Cạn đã thông qua đề án sáp nhập Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Báo Bắc Cạn và Ðài Phát thanh và Truyền hình Bắc Cạn. Tỉnh ủy Bến Tre xây dựng đề án, thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành Ban Tuyên giáo - Tổ chức. Ðối với cấp huyện, Tỉnh ủy Bến Tre đề xuất thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và bổ sung chức năng nội chính từ văn phòng cấp ủy chuyển sang, thành lập Ban Xây dựng Ðảng, bố trí đồng chí Phó Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thí điểm sáp nhập Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện Vĩnh Tường. Tỉnh Bình Phước có đề án hợp nhất báo Bình Phước với Ðài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước; hợp nhất Phòng Nội vụ với Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội; Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Ðài Truyền thanh - Truyền hình và Nhà Thiếu nhi ở cấp huyện. Tỉnh An Giang đề xuất thêm các mô hình: hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Thông tin - Truyền thông thành Ban Tuyên giáo - Thông tin và Truyền thông; hợp nhất Ban Tuyên giáo, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện thành Ban Tuyên giáo - Văn hóa - Thông tin…

Mới đây, Bộ Nội vụ có công văn yêu cầu các địa phương tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, chờ hai nghị định mới, là Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở, ngành) và Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (phòng, ban). Việc tạm dừng, đợi các nghị định mới nhằm bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, dư luận các địa phương cho rằng, trong khi địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, mạnh dạn thí điểm các mô hình thì việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn làm chậm lại quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính, nhiều địa phương đề xuất và thí điểm bố trí đồng thời một cán bộ đảm nhận hai chức danh. Mô hình này tăng nhiệm vụ của người đứng đầu, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo các cấp. Ở cấp xã, nhiều nơi thực hiện mô hình Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND xã hoặc Chủ tịch UBND xã. Ở cấp huyện, nhiều tỉnh đã và đang triển khai các mô hình: Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra. Qua ba năm triển khai, đến nay Quảng Ninh đã có hai trong số 14 huyện và 76 trong số 186 xã có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; bảy trong số 14 huyện và 75 trong số 186 xã có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND. Tỉnh An Giang đã thực hiện Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Châu Phú. Tất cả 13 xã, thị trấn ở huyện Châu Phú đều có Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, thị trấn.

Bình Phước là địa phương mạnh dạn xây dựng phương án bố trí cán bộ lãnh đạo với hai chức danh ở các đơn vị cấp tỉnh. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND. Các đồng chí: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra; Trưởng ban Nội chính đồng thời là Giám đốc Sở Tư pháp; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ. Hiện nay, tỉnh Bình Phước là địa phương đầu tiên đã thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng thời là Hiệu trưởng Trường Chính trị. Ðồng chí Trần Tuyết Minh là người được phân công đảm nhận hai nhiệm vụ này, chia sẻ: Do chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị có sự tương đồng, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai đơn vị có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Khi thực hiện đồng thời hai chức danh, việc đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận sự chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được nhanh chóng, kịp thời.

Tỉnh ủy Bình Phước cũng định hướng, sẽ bố trí cán bộ hai chức danh đối với các đồng chí phó các ban đảng. Các đồng chí Phó ban Tuyên giáo sẽ đồng thời là Giám đốc Ðài Phát thanh và Truyền hình và báo Bình Phước, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Hai đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức sẽ đồng thời là Phó Giám đốc Sở Nội vụ. Hai đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra sẽ đồng thời là Phó Chánh thanh tra tỉnh.

Giảm số lượng cán bộ không chuyên trách

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến tháng 12-2016, cả nước có hơn 200 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp xã, bình quân 18 người/xã; hơn 837 nghìn cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố, bình quân 6,2 người/thôn. Sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách, là yêu cầu cấp thiết của thực tế, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ không chuyên trách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, là một trong các giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Từ năm 2015, tỉnh Hà Giang đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa các chức danh không chuyên trách ở xã, và thôn tại một số xã của các huyện Vị Xuyên, Xín Mần, Mèo Vạc. Từ kết quả thí điểm, Hà Giang quy định cấp xã có 15 đến 18 chức danh, chỉ bố trí từ tám đến 11 cán bộ không chuyên trách; cấp thôn có từ 10 đến 12 chức danh, bố trí từ năm đến bảy cán bộ không chuyên trách. Ðến nay, tỉnh Hà Giang còn 15.807 cán bộ không chuyên trách, giảm 11.824 người so với năm 2015. Mỗi năm, tỉnh tiết kiệm ngân sách hơn 18 tỷ đồng. Ðồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định: Việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách trên phạm vi rộng là phức tạp. Tuy nhiên, với cách thực hiện dân chủ, linh hoạt, tỉnh Hà Giang đã thực hiện thành công. Chất lượng hoạt động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ không chuyên trách nâng lên, công tác chỉ đạo của địa phương tập trung, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều địa phương thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận. Tại Quảng Ninh, hiện đã có 1.536 trong số 1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (chiếm 98,15%). Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2.016 trong số 2.115 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (chiếm 95,31%). Tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm 9.983 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; trong đó cấp xã 1.761 người, cấp thôn 8.222 người. Tỉnh Hải Dương quy định cấp xã, thị trấn không bố trí quá 13 người hoạt động không chuyên trách, đảm nhiệm 21 chức danh; cấp phường bố trí 12 người…

Với nguyên tắc bố trí một chức danh "cứng" kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh khác, một người đảm nhiệm nhiều việc, một số địa phương triển khai mô hình cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh cán bộ không chuyên trách. Thí dụ như Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HÐND xã, Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy xã. Ở cơ sở, nhiều địa phương bố trí phó trưởng thôn kiêm công an viên, trưởng thôn/khu dân cư hoặc phó thôn/khu dân cư kiêm thôn đội trưởng, tổ trưởng bảo vệ hoặc nhân viên y tế… Các chức danh kiêm nhiệm đều bố trí cán bộ công chức xã đảm nhiệm trên cơ sở năng lực, sở trường của từng người, tùy tình hình thực tế địa phương mà số lượng cán bộ không chuyên trách khác nhau. Chế độ lương tăng thêm cho cán bộ kiêm nhiệm các địa phương cũng có quy định khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, việc bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, thôn, bản, khu phố hiện đang gặp khó khăn, chủ yếu là do thiếu nguồn cán bộ. Yêu cầu đối với cán bộ mô hình này là có năng lực, đồng thời có uy tín cao trong cộng đồng dân cư mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Việc bố trí các chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm có yêu cầu chuyên môn khác nhau cũng tạo ra những khó khăn cho cơ sở. Thực tế tại một số địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ này thường xuyên biến động, do làm một thời gian không đáp ứng yêu cầu công việc, do thu nhập thấp, cán bộ xin nghỉ. Tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, số tiền dành giải quyết chế độ cho cán bộ không chuyên trách nghỉ việc của một xã lên tới 100 triệu đồng/năm.

(Còn nữa)