Những vấn đề đặt ra trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương

NDO - Trong hai ngày 19 và 20/10, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đại học Tours (Pháp) tổ chức hội thảo quốc tế năm 2023 với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á-Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo thu hút các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Indonesia, Nga, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là động cơ kinh tế chính của toàn cầu, nơi hội tụ những nền kinh tế “rồng”, “hổ” năng động và mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng cao, thị trường hấp dẫn, lực lượng lao động trẻ trung, chăm chỉ.

Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nắm giữ vị trí địa, chính trị chiến lược. Vì vậy, từ vài thập kỷ qua, châu Á-Thái Bình Dương trở thành tâm điểm của chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới.

Các chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn được thiết kế dựa trên những tính toán ở nhiều phương diện khác, trong đó có ngoại giao, chính trị.

Chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương đã, đang và sẽ chi phối, ảnh hưởng đến chính sách và luật của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Đặc biệt, để thực thi chiến lược đó, một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định tự do hóa thương mại, bảo hộ đầu tư được ký kết giữa các đối tác trong khu vực với nhau, giữa các đối tác trong khu vực với các đối tác bên ngoài khu vực.

Những vấn đề đặt ra trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1

Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Trong mạng lưới đó, có những hiệp định quan trọng mang tính chất toàn cầu nhưng cũng có nhiều hiệp định song phương với quy mô tương đối nhỏ.

“Là những chuyên gia về luật, kinh tế, chính sách công, những nhà ngoại giao, chính trị, nhiệm vụ của chúng ta là phải nhìn thấu mạng lưới dày đặc ấy, nắm được điểm mấu chốt, quy luật, đặc trưng của các hiệp định”, Tiến sĩ Lê Trường Sơn nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề, chúng ta cũng phải trả lời được câu hỏi quan trọng là: Các hiệp định ấy và việc thực thi hiệp định đóng góp thế nào cho mục tiêu bảo đảm an ninh, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế, gìn giữ môi trường, bảo vệ quyền con người ở tầm mức quốc gia, khu vực và thế giới, bảo đảm công bằng, hỗ trợ những quốc gia đang phát triển?.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia pháp lý cùng phân tích, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi quy định, nguyên tắc pháp lý, các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hội thảo cũng là dịp tạo ra kênh đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các học giả, và các doanh nghiệp, các cố vấn pháp lý của Việt Nam, ASEAN và các đối tác khác đang tham gia vào hoạt động thương mại, kinh doanh, đầu tư quốc tế. Qua đó, gắn kết hoạt động của các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lượng, thương mại dịch vụ, công nghệ, dịch vụ pháp lý… với thực tiễn thương mại quốc tế hiện đại.